Ảnh minh họa.
Ông Cát Quang Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), cho biết, ngoài việc điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ của doanh nghiệp xuống 15%/năm hoặc thấp hơn, nhiều ngân hàng cũng giải ngân các khoản vay mới với lãi suất chỉ còn từ 11-13%/năm.
Như vậy, vẫn cón 17 ngân hàng thương mại cổ phần chưa tiến hành việc giảm lãi suất các khoản vay cũ. Các ngân hàng này phần lớn nằm ở các nhóm cuối (nhóm được tăng trưởng tín dụng thấp hoặc không được tăng trưởng tín dụng) hoặc đang trong diện phải tái cơ cấu.
Ngân hàng quốc doanh giảm lãi suất tất cả các khoản nợ
Yêu cầu hạ lãi suất cho vay của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ khách hàng vay vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất đến đâu, nhắm vào đối tượng cụ thể nào sẽ phụ thuộc vào điều kiện và khả năng thực tế của từng ngân hàng. Điều này giải thích vì sao, chính sách giảm lãi suất của mỗi ngân hàng sẽ khác nhau và không hoàn toàn giống như yêu cầu chung của Ngân hàng Nhà nước.
Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Phước Thanh, cho biết, việc giảm lãi suất cho vay được thực hiện tự động qua hệ thống công nghệ, đến kỳ tính lãi chương trình sẽ chạy. “Tất cả mọi khách hàng đều được hưởng mặt bằng lãi suất mới dưới 15%/năm, không có điều kiện gì cả. Các chi nhánh không được quyền từ chối và cũng không tác động được vào kết quả thực hiện”, ông Thanh nói.
Tương tự Vietcombank, ngân hàng BIDV cũng thực hiện giảm lãi suất về dưới 15% cho toàn bộ các khoản vay, đối với cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, từ ngày 15/7. Đối với các khoản vay mới ở lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu…), lãi suất tối đa được ngân hàng này áp dụng là 12%/năm, thậm chí với khách hàng có định hạng tín nhiệm cao, lãi suất tối đa chỉ là 11%/năm. Tính đến hết tháng 6/2012, các khoản vay thuộc lĩnh vực ưu tiên chiếm 48% tổng dư nợ của BIDV.
Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa, xác nhận, giá vốn của khối ngân hàng quốc doanh thấp hơn từ 1,5 – 2% so với khối ngân hàng ngoài quốc doanh, nên có điều kiện thuận lợi hơn để giảm lãi suất cho vay.
Bởi ngoài nguồn huy động từ doanh nghiệp và dân cư, nhóm ngân hàng quốc doanh còn được bơm vốn giá rẻ từ một số nguồn khác, như tiền gửi kho bạc, bảo hiểm, tiền gửi của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn… Trong khi đó, với các ngân hàng ngoài quốc doanh, việc giảm lãi suất với khoản vay cũ sẽ chỉ được áp dụng chủ yếu đối với các khoản vay ngắn hạn, trong nhóm đối tượng bắt buộc theo yêu cầu trước đó của Ngân hàng Nhà nước. Cũng theo tính toán của ông Nghĩa, tính chung trong cả hệ thống, với mặt bằng lãi suất mới, lãi ròng trên vốn tự có của các ngân hàng sẽ giảm khoảng 1%.
Ngân hàng ngoài quốc doanh lo giảm doanh thu, lợi nhuận
Trong khi đó, các ngân hàng ngoài quốc doanh dù tuân thủ chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước thì cũng vẫn bày tỏ nỗi lo bị sụt giảm lợi nhuận, doanh thu.
Như Ngân hàng Đông Á ngay từ rất sớm công bố thực hiện điều chỉnh lãi suất với các khoản vay có lãi suất trên 15%.năm, song chỉ áp dụng với các khoản vay ngắn hạn bằng VND. Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình chia sẻ, thu nhập và biên lợi nhuận của ngân hàng giảm nhưng đây là giải pháp cần thiết để doanh nghiệp và ngân hàng cùng tồn tại và phát triển.
Cũng không áp dụng giảm lãi suất đối với mọi đối tượng vay vốn, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng ACB Nguyễn Thanh Toại cho biết điều kiện để được ACB giảm lãi suất là những khách hàng có quan hệ tín dụng bình thường với ngân hàng, nghĩa là nhóm có nợ xấu, nợ quá hạn chưa được xem xét.
Ông Phan Huy Khang, Tổng Giám đốc Sacombank, cho biết tổng cộng các khoản vay được giảm lãi suất xuống mức 15% ở Sacombank là khoảng 26.000 tỷ đồng. “Như vậy, sắp tới mỗi tháng doanh thu Sacombank sẽ giảm khoảng 80 tỷ đồng”, ông Khang nói.
Nguồn www.chinhphu.vn