Mồ hôi trộm là tuyến mồ hôi được điều hành bởi hệ thần kinh phó giao cảm. Hiện tượng này không chịu ảnh hưởng của yếu tố môi trường và xảy ra với mọi đối tượng nhưng nhiều nhất là ở con trẻ.
Thành phần chính của mồ hôi trộm là nước, còn lại là muối và các chất cặn bã mà cơ thể cần thải ra ngoài. Tuy nhiên, nếu hiện tượng này xảy ra thường xuyên thì cơ thể bé sẽ mất đi một lượng lớn nước và muối, khiến trẻ mệt mỏi và khó chịu, lâu dần là suy kiệt.
Nguyên nhân gây ra mồ hôi trộm
Triệu chứng dễ nhận thấy nhất của trẻ có mồ hôi trộm là quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, nguyên nhân chủ yếu là do thần kinh bị kích thích, hoạt động nhiều về đêm.
Các chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em nhận định rằng những trẻ thiếu vitamin D trong giai đoạn còn non thường mắc chứng ra mồ hôi trộm. Trẻ em dưới 1 tuổi đa số hay thiếu vitamin D do đây là giai đoạn hệ xương phát triển mạnh mẽ nhất, ngoài ra trẻ sinh non, thiếu cân, trẻ mắc các chứng bệnh nhiễm khuẩn, trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài, trẻ còi xương… cũng là đối tượng bị vitamin D “lẩn tránh”. Nếu để ý, các bậc phụ huynh dễ nhận thấy trẻ thường hay bị mồ hôi nhiều ở trán, gáy ngay cả khi thời tiết đang lạnh, đặc biệt là nhiều lúc trẻ ngủ nên trẻ hay rụng tóc ở phần gáy.
Một nguyên nhân không kém phần quan trọng khác chính là do các bậc phụ huynh quá lo lắng cho trẻ. Mỗi lần chào tạm biệt hay chúc bé ngủ ngon cha mẹ nào cũng sợ bé bị cảm lạnh nên thường đắp chăn quá nhiều cho bé tạo nên sự nóng bức ngột ngạt, trẻ dễ cảm thấy khó chịu và thường toát mồ hôi. Khi đó, mồ hôi trộm không còn là chứng bệnh mà chỉ cần cải thiện “sự quá lo” của cha mẹ là được.
“Đuổi kẻ trộm”
Khi phát hiện trẻ mắc bệnh mồ hôi trộm, các bậc cha mẹ cần để ra các biện pháp hợp lý để chữa trị. Đặc biệt, không nên để lâu khiến mồ hôi có cơ hội ra nhiều hơn và nếu không lau kịp, mồ hôi ra nhiều ướt trên bề mặt da vào lúc xế chiều, buổi đêm thì sẽ gây nhiễm lạnh, nếu gặp gió, nhiệt độ cơ thể sẽ bị hạ, dẫn đến nhiều bệnh cấp tính và nguy hiểm nhất là viêm phổi, viêm phế quản, trẻ sẽ phải dùng kháng sinh – điều này sẽ làm giảm các vi sinh vật sống trong ống tiêu hóa khiến trẻ biếng ăn và như thế, cơ thể trẻ sẽ rất yếu. Đây lại chính là cơ hội để cơ thể nhiễm lạnh trở lại… Guồng quay liên tục đó sẽ khiến sức khỏe trẻ yếu hơn, kém phát triển.
Các tốt nhất là bổ sung vitamin D cho trẻ bằng ánh nắng mặt trời lúc bình minh. Vì thế, đừng ngại rằng ánh nắng sẽ làm đen da bé mà bạn nên tận dụng ánh sáng mặt trời trước 10h sáng, thời gian tắm nắng từ 10-30 phút, để càng nhiều da của trẻ tiếp xúc với ánh nắng càng tốt nhưng tránh cho trẻ tiếp xúc thẳng với ánh sáng mặt trời chiếu vào.
Ngoài ra phụ huynh nên bổ sung vào thực đơn hàng ngày những bữa ăn có thêm các món ăn như: canh rau ngót với tim lợn, cháo trai, hến… Canh rau ngót không chỉ là món canh ngon, bổ dưỡng làm còn là vị thuốc kích thích ăn uống với những trẻ chán ăn. Đặc biệt, canh rau ngót nấu với thịt heo bằm hoặc giò sống cũng rất tốt với người lớn bởi đây là một vị thuốc bổ giúp tăng cường sức khỏe với người mới ốm dậy, người già yếu hoặc phụ nữ sau khi sinh.
Các món cháo như cháo trai, hến cũng rất bổ dưỡng đối với trẻ ra mồ hôi trộm. Theo Đông y, thịt trai sông vị ngọt mặn, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, lợi hư. Do đó dân gian thường dùng thịt trai sông để nấu canh, nấu cháo. Trai sông ngâm nước vo gạo 1-2 ngày cho nhả hết phân, rửa sạch vỏ, đem luộc chín rồi lọc lấy thịt. Để ráo nước, thái nhỏ, thêm gia vị, nước mắm ướp cho thấm, xào chín với dầu thực vật hoặc mỡ lợn cho thơm. Dùng cháo ăn liền hay gạo vừa đủ nấu cháo. Nên ăn khi cháo còn nóng, có thể cho thêm vài lát gừng thái chỉ hoặc lát gừng tươi.
Các món ăn như tim lợn hấp hạt sen và lá dâu, hoặc xào với mộc nhĩ và cà chua cũng có tác dụng chữa bệnh ra mồ hôi trộm. Cách chế biến món tim lợn hấp hạt sen và lá dâu: tim lợn một quả, lá dâu non, hạt sen. Tim lợn rửa sạch, thái miếng nhỏ và mỏng, ướp gia vị, dùng dầu thực vật xào chín. Lá dâu non rửa sạch thái nhỏ. Hạt sen giã nhỏ. Cả ba thứ trộn đều đem hấp cách thủy. ngày ăn một lần vào buổi chiều, liên tục trong 5 ngày là sẽ thấy có tác dụng.
Chỉ một vài biện pháp đơn giản, các bậc phụ huynh có thể “tặng” cho con trẻ giấc ngủ sâu, không còn quấy khóc lúc nửa đêm vì mồ hôi trộm.
Bệnh thường gặp khi thiếu vitamin D
Còi xương: Thường thấy ở trẻ em, nhất là những trẻ ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, hoạt chất chống còi xương thu được do thiếu tia từ ngoại (có trong ánh nắng mặt trời), chất canxi được hấp thu quá ít. Trẻ còi xương có các biểu hiện như hay đổ mồ hôi (nhất là đổ mồ hôi trộm), ngủ hay giật mình, mọc răng chậm, răng hay bị sâu, trẻ chậm lớn, chậm biết lẫy, biết đi. Càng về sau trẻ có thể bị co giật, gù lưng, vẹo cột sống.
Loãng xương: Đây là bệnh của người già, hay gặp ở phụ nữ tuổi mãn kinh, khi mắc bệnh, xương trở nên dễ gãy vì lượng canxi đưa vào không đủ bù lượng canxi của cơ thể mất đi hàng ngày. Chỉ sau một tai nạn ngã nhẹ mà cũng gãy xương, người ta mới biết mình bị loãng xương.
Ngay từ khi bước vào tuổi trên 30, mỗi người cần có ý thức bù lượng canxi cho cơ thể bằng cách ăn uống, vì lượng vitamin D thích hợp đưa vào cơ thể đóng vai trò chủ yếu trong phòng bệnh loãng xương. Vitamin D và canxi có trong các loại thịt, hoa quả, trứng, đặc biệt có trong một số loại sữa bột béo và không béo chứa hàm lượng canxi cao.
Nguồn wwwalobacsi.vn