Bí mật khủng khiếp
Philip Morris, RJ Reynolds, British American Tobacco và các “ông lớn” khác đã cố để dư luận không ý thức được rằng trong lá cây thuốc lá, thuốc lá điếu và khói thuốc đều có Polonium-210, một chất phóng xạ có độc tính cực mạnh và là chất gây ung thư.
Từ lâu, họ đã biết về sự có mặt của Polonium-210. Họ đã tìm hiểu và cố tìm cách loại bỏ nó nhưng đều thất bại. Và để không đánh động dư luận theo hướng bất lợi cho mình, họ đã che giấu tất cả các kết quả nghiên cứu.
Thông tin gây chấn động trên được công bố trên Chuyên san sức khỏe cộng đồng Hoa Kỳ. Tác giả bài báo, Monique Muggli (Mayo Clinic, Minnesota, Mỹ) đã nghiên cứu hơn 1.500 tài liệu nội bộ của các công ty thuốc lá để đi đến kết luận rằng họ đã biết tất cả, nhưng cố tình im lặng để tránh nguy cơ bị kiện tụng.
Một năm hút thuốc lá = 365 lần chụp X quang
Polonium-210 là chất phóng xạ không bền vững và vô cùng nguy hiểm. Khi đã theo khói thuốc vào phổi, nó sẽ đọng lại ở những nền móng do chất tar (nhựa thuốc lá) tạo nên ở tiểu phế quản. Theo thời gian, hàm lượng Polonium-210 tích tụ ngày một nhiều lên.
Sau một năm, lượng phóng xạ trong các tiểu phế quản của người hút mỗi ngày một bao rưỡi thuốc lá là 1,3 rem, tương đương với việc mỗi ngày chụp X-quang phổi một lần trong suốt cả năm. Polonium-210 là thủ phạm của 25% trong tổng số tất cả các ca ung thư phổi do thuốc lá.
Polonium-210 có trong thuốc lá là do khi trồng, người ta đã sử dụng phân lân để bón cho cây. Phân lân làm giảm hàm lượng đạm của cây thuốc lá, đem lại mùi thơm đặc biệt cho sản phẩm lá thuốc. Nhưng do được sản xuất từ quặng Apatit, là loại quặng chứa Radium và Polonium nên chính nó lại là thủ phạm làm cho thuốc lá nhiễm phóng xạ.
Tử thần được che giấu
Từ những năm 1960, các nhà sản xuất thuốc lá như Philip Morris đã biết về sự có mặt của Polonium-210 trong sản phẩm của họ. Tài liệu của những năm 1970 cho thấy công ty này đã thử dùng một loại dung môi để rửa lá thuốc lá và giảm được từ 10% đến 40% hàm lượng phóng xạ. Thế nhưng loại dung môi này lại làm mất hoàn toàn mùi thơm đặc trưng của lá thuốc. Thử nghiệm chấm dứt và mọi tài liệu có liên quan đều được giấu kín hoặc tiêu hủy.
Đầu những năm 1980, Philip Morris cho xây dựng một phòng thí nghiệm để đo mức độ phóng xạ của sợi thuốc nhằm loại bỏ những mẻ nguyên liệu không đủ tiêu chuẩn an toàn để sản xuất thành thuốc lá điếu. Nhưng cuối cùng, vì cho rằng sự hoạt động của một phòng thí nghiệm như vậy là quá lộ liễu và có thể khiến dư luận hoang mang về chất lượng sản phẩm nên nó đã bị đóng cửa.
Các công ty thuốc lá cũng đã nghiên cứu các loại đầu lọc có thể ngăn được Polonium-210. RJ Reynolds thậm chí đã có loại đầu lọc giảm được 30% mức phóng xạ. Nhưng rồi công trình này cũng bị bỏ dở. Theo EPA (cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ) thì đầu lọc của tất cả các loại thuốc lá bán trên thị trường hiện nay chỉ ngăn được một lượng phóng xạ không đáng kể.
Một ý tưởng khác là biến đổi gene để giảm Polonium-210 cũng thất bại. Và trong tất cả những lần như vậy, mọi hồ sơ, tài liệu đều bị các công ty giấu nhẹm. Chính vì vậy mà cho đến nay, rất ít người ý thức được về nguy cơ nhiễm phóng xạ do hút thuốc.
Nguồn kienthuc.net.vn