Chìa khóa vượt lên trong nền kinh tế toàn cầu mới

Các thị trường đang nổi, với một thị trường trong nước lớn và một tầng lớp trung lưu giàu có sẽ có lợi thế quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu mới.

Mạng tin "Project syndicate" ngày 11/7 có đăng bài viết với nội dung: Sự tăng trưởng do nhu cầu trong nước dẫn đầu sẽ là một chiến lược đáng tin cậy hơn sự tăng trưởng do xuất khẩu dẫn đầu. Điều đó có nghĩa rằng các thị trường đang nổi, với một thị trường trong nước lớn và một tầng lớp trung lưu giàu có sẽ có lợi thế quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu mới.

Trước mắt, kinh tế thế giới đang đối diện với sự bất ổn lớn. Liệu khu vực đồng euro có giải quyết được những vấn đề của họ và tránh được tan vỡ? Liệu Mỹ sẽ tìm được con đường tăng trưởng mới? Liệu Trung Quốc có tìm ra cách để đảo ngược sự suy giảm kinh tế của họ? Câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ quyết định cách thức phát triển của kinh tế toàn cầu trong những năm tới. Nhưng bất chấp cách thức giải quyết những khó khăn, điều rõ ràng là kinh tế thế giới đang bước vào một giai đoạn khó khăn mới lâu dài hơn.

Dù giải quyết những khó khăn hiện nay bằng cách nào, Mỹ và châu Âu sẽ nổi lên với nợ cao, tỷ lệ tăng trưởng thấp và chính trường trong nước bất hòa. Trong trường hợp tốt nhất là đồng euro vẫn nguyên vẹn, châu Âu sẽ sa lầy với mục tiêu tái thiết lại liên minh của họ. Và tại Mỹ, sự phân cực về ý thức hệ giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ tiếp tục làm tê liệt chính sách kinh tế.

Do vậy tất cả các nền kinh tế phát triển đều sẽ tập trung hơn vào trong nước và trở thành những đối tác quốc tế ít hỗ trợ hơn, không muốn duy trì hệ thống thương mại đa phương và sẵn sàng phản ứng đơn phương với các chính sách kinh tế của các nước khác mà họ cho là phá hoại các lợi ích của họ. Trong khi đó các thị trường đang nổi lên lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil sẽ vẫn muốn bảo vệ chủ quyền quốc gia của họ. Hậu quả là khả năng hợp tác toàn cầu về kinh tế và các vấn đề khác sẽ giảm hơn nữa.

Kiểu môi trường toàn cầu này sẽ thu hẹp tiềm năng tăng trưởng của mọi quốc gia và gây ra sự bất bình đẳng sâu sắc trong hoạt động kinh tế khắp thế giới. Một số quốc gia sẽ bị tác động nhiều hơn các nước khác. Những quốc gia có thành tích kinh tế cao hơn cần đáp ứng được 3 yêu cầu. Thứ nhất là không bị đè nặng bởi mức nợ công cao. Thứ hai là không quá phụ thuộc vào kinh tế thế giới và động cơ tăng trưởng sẽ ở trong nước, chứ không phải ở bên ngoài. Cuối cùng, họ sẽ là những nền dân chủ mạnh mẽ.

Việc có mức nợ công thấp là quan trọng bởi vì khi mức nợ lên tới 80-90% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nó sẽ trở thành gánh nặng nghiêm trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Chính phủ những quốc gia phải lo giảm nợ, trong đó có đa số các nền kinh tế phát triển, dường như không thể thực hiện những khoản đầu tư cần thiết cho sự thay đổi cấu trúc lâu dài.

Nhiều nền kinh tế thị trường đang nổi như Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ, đang tìm cách kiểm soát mức tăng nợ công. Nhưng họ lại không ngăn chặn sự đi vay quá mức của khu vực tư nhân. Vì các khoản nợ tư nhân có cách để trở thành nợ công, nên nợ chính phủ thấp có thể không phải là lợi thế mà quốc gia này nghĩ là họ có.

Các quốc gia quá phụ thuộc vào các thị trường thế giới và tài chính toàn cầu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của họ cũng sẽ bất lợi. Một nền kinh tế toàn cầu mong manh sẽ không hiếu khách đối với các nước vay ròng nước ngoài lớn hoặc các nước cho vay ròng lớn. Những nước có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn như Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn là con tin của tâm lý thị trường hay thay đổi. Những nước có thặng dư tài khoản vãng lai lớn như Trung Quốc sẽ phải chịu sức ép ngày càng tăng trong việc hạn chế các chính sách "trọng thương" của họ.

Cuối cùng, các nền dân chủ sẽ hoạt động tốt hơn bởi vì họ có các cấu trúc được thể chế hóa để quản lý xung đột mà các chế độ độc tài không có. Các nền dân chủ như Ấn Độ, có lúc dường như hành động quá chậm hoặc tê liệt, nhưng họ cung cấp các diễn đàn tư vấn, hợp tác cho các nhóm xã hội đối lập, rất quan trọng trong các thời điểm biến động. Nếu không có những thể chế này, sự xung đột phân phối có thể nhanh chóng biến thành phản đối, bạo lực và rối loạn dân sự. Đó là sự lợi thế hơn của Ấn Độ và Nam Phi so với Trung Quốc hoặc Nga.

Một chỉ số quan trọng của những thách thức của nền kinh tế toàn cầu mới là quá ít quốc gia có thể thỏa mãn cả 3 yêu cầu trên. Một trong số những nền kinh tế thành công nhất là Trung Quốc chỉ đáp ứng được 1 yêu cầu. Tuy nhiên, một số quốc gia như Brazil, Ấn Độ và Hàn Quốc có thể thuận lợi hơn các nước khác./.

Nguồn www.chinhphu.vn