Báo động tình trạng khẩn cấp ở các dải san hô trên toàn cầu

Theo phóng viên TTXVN tại Liên Hợp Quốc (LHQ), ngày 11-7, các nhà khoa học đã báo động tình trạng khẩn cấp tại tất cả các dải san hô trên thế giới, đồng thời kêu gọi các nước hành động ngay để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhằm cứu nguồn tài nguyên vô giá này của nhân loại.

Tại Hội nghị lần thứ 12 về các dải san hô quốc tế, đang diễn ra ở thành phố Cain (Cairn) của Ôxtrâylia, các nhà khoa học thế giới cảnh báo hầu hết các dải san hô trên thế giới sẽ bị tàn phá. Nguồn lợi trị giá hàng trăm tỷ USD mà các dải san hô mang lại cho nền kinh tế thế giới sẽ biến mất trong các thập kỷ tới nếu ngay từ bây giờ nhân loại không hành động khẩn cấp. Cộng đồng khoa học quốc tế đã đồng thuận hoàn toàn với việc 2500 nhà khoa học trên thế giới đã ký vào bản tuyên bố chung về hành động khẩn cấp đồng thời cam kết cung cấp các tri thức khoa học để hỗ trợ hành động này. Bảo vệ các dải san hô đồng nghĩa với giảm khai thác, ngăn chặn ô nhiễm, hạn chế phát triển các vùng ven biển và nhiều biện pháp khác cần ý chí chính trị mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo các nước và quốc tế.

Các nhà khoa học quốc tế nêu rõ san hô có giá trị đặc biệt đối với con người. Đối với hàng tỷ người trên thế giới, hải sản là nguồn thực phẩm chủ yếu cung cấp prôtêin. Ngoài bảo vệ bờ biển trước các cơn bão, các dải san hô là nơi nuôi dưỡng và là môi trường sống của nhiều loài cá. Chỉ riêng ở Bêlidê (Belize), địa điểm nghỉ dưỡng ở Trung Mỹ, bão có thể gây thiệt hại lên tới 240 triệu USD hàng năm nếu không còn các dải san hô bảo vệ bờ biển.

Trong 3 thập kỷ qua, các dải san hô thế giới đã bị đe dọa nghiêm trọng và hơn 50% dải san hô trên thế giới đã bị tàn phá. Vào giữa thế kỷ này, 50% số dải san hô còn lại sẽ bị tẩy trắng nghiêm trọng do nhiệt độ các đại dương tăng. Tuy nhiên, nếu thời gian bị tẩy trắng không quá dài, các dải san hô có thể phục hồi mạnh. Bị tẩy trắng, bị khai thác quá mức, ô nhiễm và bệnh tật đã tiêu diệt phần lớn các dải san hô huyền thoại của khu vực Caribê. Khu vực này đã mất hơn 80% các dải san hô từ thập kỷ 1970. Các nhà khoa học chỉ rõ rằng trong tương lai, bị tẩy trắng và độ axít cao trong nước biển sẽ tác động đến các dải san hô xa bờ biển nhất. Nếu lượng khí thải cácbôníc (CO2) không được giảm mạnh, tác động của biến đổi khí hậu làm nước các đại dương nóng lên, độ axít ở các đại dương tăng cao hơn, vào năm 2070, sẽ chỉ còn 10% các dải san hô trên thế giới sống sót.

Theo TTXVN