Cảnh giác với vi-rút HPV

VI-RÚT Human Papilloma (HPV) được xác định có khoảng 100 tuýp khác nhau, trong đó nguy hiểm hơn cả là một số tuýp có khả năng gây ung thư, nhất là ung thư cổ tử cung (tuýp 16 và 18). Ngoài ra còn một số tuýp liên quan ung thư sinh dục cả ở nam giới hoặc một số bệnh u nhú trên da, đường hô hấp...

Dù chỉ 7% người nhiễm HPV tiến triển thành ung thư nhưng do số người nhiễm HPV rất cao (hơn 50% số người ở tuổi có hoạt động tình dục có nguy cơ nhiễm HPV ít nhất một lần), cho nên mỗi năm trên thế giới có khoảng 490 nghìn phụ nữ mắc bệnh ung thư cổ tử cung và hơn 270 nghìn phụ nữ chết. Nó được xác định nguyên nhân đứng hàng thứ hai, sau ung thư vú gây chết cho phụ nữ. Bệnh thường xuất hiện ở phụ nữ từ 35 đến 60 tuổi. Sự nguy hiểm nhất của căn bệnh này là bệnh khó nhận biết do không gây đau và không có những dấu hiệu khác lạ.

Ở nước ta, ung thư cổ tử cung là bệnh phổ biến và là nguyên nhân gây chết hàng đầu trong các loại ung thư ở phụ nữ. Ước tính mỗi năm cả nước có khoảng 6.000 trường hợp ung thư cổ tử cung mới phát hiện và khoảng 3.000 trường hợp chết. Một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nhiễm HPV ở một số quận nội thành TP Hồ Chí Minh là 10,9% và ở Hà Nội là 2%. Riêng ở TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ HPV ở phụ nữ trên 25 tuổi là cao nhất (22,3%). Còn theo khảo sát về HPV của ThS, BS Lê Thị Kiều Dung giảng viên (Bộ môn Sản của Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh) cùng đồng nghiệp tại 20 phường, xã tại 10 quận, huyện của TP Hồ Chí Minh cho thấy có 10,84% phụ nữ trong nhóm nghiên cứu nhiễm HPV.

Theo TS Cao Hữu Nghĩa, Viện Pa-xtơ TP Hồ Chí Minh, HPV có khả năng lây lan dễ dàng và rộng rãi do hầu hết các trường hợp nhiễm HPV không có biểu hiện triệu chứng. Hơn nữa, phần lớn người nhiễm không hay biết mình nhiễm nên vô tình truyền bệnh cho bạn tình. Nam cũng như nữ đều có khả năng bị HPV tiến công. Riêng ở nữ giới, nguy cơ nhiễm cao nhất là ở thời điểm bắt đầu có quan hệ tình dục và nhiều trường hợp nhiễm dai dẳng, tiến triển thành các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung. Nếu các tổn thương này được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì tỷ lệ lành khá cao.

Trong cộng đồng không biết ai bị nhiễm HPV và ai sẽ tiến triển thành ung thư, cho nên tiêm vắc-xin là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất căn bệnh này. Các nhà khoa học đã chứng minh, tất cả mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh hoạt tình dục sẽ nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời. Phần lớn số người nhiễm, HPV sẽ mất đi, nhưng một số tiếp tục tiến triển và gây các bệnh liên quan, trong đó có ung thư cổ tử cung. Từ năm 2007, Viện Vệ sinh dịch tễ đã được Bộ Y tế phê duyệt đề án đánh giá bằng chứng tác động của HPV khi đưa vào tiêm chủng mở rộng. Việt Nam là một trong bốn nước được chọn thực hiện dự án nhằm đưa ra mô hình khuyến cáo sẽ triển khai tiêm HPV như thế nào trong chương trình tiêm chủng mở rộng trong tương lai. Giai đoạn hai từ 2008 - 2010, Viện đã tiến hành tiêm vắc-xin cho 6.000 trẻ của hai huyện Quan Hóa và Nông Cống (Thanh Hóa) và hai phường Bình Thủy, Ninh Kiều (Cần Thơ). Trong ba năm với 18.000 mũi tiêm được đánh giá đạt kết quả tốt, được Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) đánh giá cao.

PGS, TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, trong chiến lược phòng, chống ung thư cổ tử cung, tiêm vắc-xin là biện pháp dự phòng chủ động tốt nhất nhưng cũng chỉ là một trong các biện pháp của chiến lược tổng thể. Bên cạnh đó, mọi người dân cần tiến hành các biện pháp giáo dục sức khỏe, nâng cao kiến thức về các biện pháp dự phòng lây nhiễm HPV và phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, thực hiện hành vi an toàn trong tình dục. Phụ nữ từ 30 tuổi trở lên, cần thường xuyên đi khám phát hiện sớm những biến đổi bất thường của tế bào cổ tử cung để điều trị sớm trước khi phát triển thành ung thư. Khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về tầm soát ung thư cổ tử cung đề nghị thực hiện xét nghiệm PAP cho những phụ nữ đã có quan hệ tình dục: từ 30 tuổi hay sớm hơn nếu có nhiều nguy cơ, định kỳ ba năm một lần và kéo dài cho đến hết tuổi sinh sản, định kỳ năm năm khi bước vào 50 tuổi và có thể chấm dứt vào 65 tuổi nếu trước đó đã có hai kết quả xét nghiệm là bình thường. Nếu chỉ có cơ hội thực hiện xét nghiệm một vài lần trong cuộc đời thì nên thực hiện vào khoảng 35-45 tuổi.

Nguồn nhandan.com.vn