Sữa đậu nành

(NTO) Sữa đậu nành (ĐN) là thức uống ngon, bổ, rẻ và phổ biến trong cộng đồng, nhất là mùa nắng nóng. Thành phần hạt đậu nành gồm có: gluxit 15 - 25%, chất béo 15-20%, protein từ 35-45%, muối khoáng 6%, có các vitamin B1, B2, PP, A, D, E, có các loại men tiêu hóa như Amylase, Lipase và Proteas, chất chống men trypsine, chất chống đông máu, chất sinh bướu giáp và chất Phytoestrogen còn gọi là Estrogen thực vật làm giảm cảm giác bốc lửa và những rối loạn ở tuổi mãn kinh.

- Công dụng: ĐN là thức ăn có đầy đủ chất đạm, chất béo, chất đường, chất khoáng, có nhiều vitamin, enzyme, lại dễ tiêu hóa; giúp tái tạo lại màng tế bào, màng các bào quan tế bào kể cả tế bào thần kinh; giúp tạo hình co, gân, xương, tạo năng lượng. Đậu nành là thuốc bồi bổ cơ thể nhất là trẻ em, đặc biệt là trẻ em còi xương, suy dinh dưỡng, những người mới ốm dậy, làm việc quá sức, làm việc trí óc. Dùng rất tốt cho người tăng Cholesterol, vữa xơ động mạch, huyết áp cao, bị suy gan, thấp khớp, bệnh Gút và đái tháo đường; rất tốt cho phụ nữ tuổi mãn kinh, người có nguy cơ cao hoặc bị ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư dạ dày, người có cảm giác khó chịu như bị ép ở lồng ngực, khó ngủ.

- Ngày dùng 25 – 30g hoặc hơn dưới các dạng bột ĐN, sữa ĐN, đậu hũ, chao, đậu phụ, giá, tương, xì dầu và ở Nhật còn chế ra bơ ĐN, pho mat ...

Khi dùng sữa ĐN cần lưu ý:

Sữa ĐN nhất định phải được đun sôi kỹ trước khi uống. Trong sữa sống có chứa chất ức chế men trypsin, saponin và một số chất không có lợi khác nên nếu uống sữa ĐN sống hoặc không được đun sôi kỹ sẽ gây ra buồn nôn, nôn, đau bụng đi ngoài,…thậm chí ngộ độc.

Không nên đánh trứng cùng với sữa ĐN vì lòng trắng trứng bị kết hợp với men tiêu hóa trong sữa tạo thành một hợp chất kết tủa làm cơ thể khó hấp thu và còn làm mất đi những chất dinh dưỡng.

Không nên cho thêm đường đỏ khi uống sữa ĐN vì trong đường đỏ có chứa nhiều các axit hữu cơ sẽ kết hợp các chất protit, canxi làm mất đi các chất dinh dưỡng của sữa ĐN.

Khi uống sữa ĐN nên ăn thêm một chút thức ăn như: bánh ngọt, bánh mì, bánh bao,…hay các chế phẩm của tinh bột để các chất dinh dưỡng trong sữa được hấp thu hoàn toàn.

Không nên uống quá nhiều sữa ĐN trong một lúc. Đối với người lớn, một lần không nên uống quá 500ml, nếu không dễ dẫn đến đau bụng, đi ngoài do các chất dinh dưỡng trong sữa không được hấp thu hết.

Không nên uống thuốc cùng với sữa ĐN.

Không nên đựng sữa ĐN trong bình giữ nhiệt. Vi khuẩn rất dễ phát triển trong sữa ĐN ở nhiệt độ ấm, sau 3 đến 4 giờ sẽ bị biến chất và không thể sử dụng được nữa.

Theo y học cổ truyền ĐN có tính thiên hàn, hoạt lợi vì vậy những người tỳ vị hư hàn, người có triệu chứng thận hư, di tinh, tiểu đêm nhiều,…đều không nên dùng.

Không nên dùng sữa ĐN thay thế sữa cho trẻ bú. Mặc dù hàm lượng chất dinh dưỡng trong sữa ĐN cao nhưng không vẫn đủ cho nhu cầu phát triển của trẻ.