Bố mẹ khen, chê quá lời khiến bé không có tính tự chủ và suy nghĩ độc lập
Lời khen ngợi, biểu dương có tác dụng giúp bé hình thành và củng cố lòng tự tin của bản thân. Nhưng hiện nay một số bậc cha mẹ đã áp dụng phương thức giáo dục này hơi “quá tay”, lúc bình thường cũng khen ngợi con không cần lý do. Kết quả là khiến bé xem trọng nhận xét của người khác mà thiếu đi ý thức chủ động và sự tự chủ của bản thân. Mỗi khi bé làm việc gì cũng muốn người khác khen mình, nếu không sẽ nhất quyết không làm.
Tương tự như vậy, khi hay buông lời phê bình con là bố mẹ đã làm tổn thương lòng tự ái của bé, khiến bé không tin tưởng vào bản thân, luôn nghĩ mình kém cỏi. Vì thế, mỗi khi bé làm sai việc gì, người lớn cần chỉ ra lỗi của bé một cách có chừng mực, tránh dằn vặt và làm tổn thương bé. Từ đó bố mẹ mới có thể bảo ban và hướng dẫn bé dần dần khắc phục nhược điểm.
Bố mẹ quá dân chủ khiến bé cố chấp, luôn thích làm theo ý mình
Có nhiều bậc cha mẹ, đặc biệt là những người có học vấn cao một chút, thường rất xem trọng sự dân chủ trong cách giáo dục ở gia đình. Cho dù là chuyện lớn chuyện nhỏ cũng đều kỳ vọng dùng lý lẽ để hiểu sự việc, kết quả là chưa chắc bé đã nhận ra lẽ phải mà còn bị nhiễm thói quen xấu. Nguyên nhân là vì trẻ con (nhất là các bé nhỏ tuổi) chưa có đủ kinh nghiệm và năng lực phán đoán nên trong cuộc sống hàng ngày có rất nhiều việc cần bố mẹ hướng dẫn, dạy dỗ. Nếu như bạn quá dân chủ sẽ rất dễ tạo ra sự cưng chiều, khiến bé trở nên ngang bướng, cố chấp, chỉ thích làm theo ý mình.
Chính vì vậy, đối với bé ở độ tuổi lớn một chút, bạn có thể dùng lý lẽ để dạy dỗ nhưng với bé còn nhỏ tuổi, tốt nhất là nên áp dụng biện pháp “cưỡng chế” để giáo dục, trông nom bé.
Bố mẹ chỉ thưởng mà không phạt khiến bé tái phạm lỗi nhiều lần
Trẻ nhỏ chưa có đủ năng lực phân biệt đúng – sai nên để giúp bé hiểu rõ thế nào là đúng, thế nào là sai, bố mẹ nên có thói quen thưởng phạt phân minh ngay từ những hành động nhỏ diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Có một số bậc phụ huynh vẫn luôn tin vào quan niệm “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” nên rất nghiêm khắc trong cách giáo dục con. Ngược lại, nhiều người lại rất yêu chiều con cái, thường có thói quen thưởng khi bé làm đúng, chứ ít khi phạt khi làm sai. Cả hai cách làm trên đều có chỗ không đúng, bạn nên thưởng – phạt các việc bé làm một cách rõ ràng, đúng mực.
Đương nhiên, phạt bé không nghĩa là chỉ có đánh mắng mà “hình phạt” có thể rất đa dạng, chỉ cần đạt được mục tiêu giúp bé nhận ra lỗi của mình là được.
Bố mẹ bất đồng trong cách dạy con, bé sẽ không nghe lời
Do rất nhiều nguyên nhân mà đại đa số các bậc cha mẹ thường có những bất đồng dù ít dù nhiều trong cách dạy con. Thậm chí, không ít cha mẹ còn cố chấp giữ nguyên cách dạy con của mình, không trao đổi, bàn bạc với người bạn đời của mình, có người còn cãi nhau trước mặt con vì vấn đề này. Hậu quả trực tiếp của hiện tượng này là khiến bé cảm thấy bất an và không nhận ra được lỗi của mình.
Vì vậy, cách tốt nhất là hai vợ chồng bạn nên bàn bạc và thống nhất ý kiến với nhau trước khi bảo ban, dạy dỗ bé trong từng trường hợp.
Bố mẹ quá nâng niu chăm sóc khiến bé thiếu lòng tự tin
Nhiều ông bố bà mẹ quá “bảo bọc” con giống như gà mẹ cả ngày dang cánh ôm gà con trong lòng, không để con phải động tay động chân làm việc gì. Thậm chí có người còn giới hạn cuộc sống của con trong tầm mắt của mình. Đó chính là sự chăm sóc thái quá, can thiệp thô bạo vào sự phát triển tâm sinh lý bình thường của trẻ, khiến bé thiếu đi năng lực sống tự lập, giao tiếp xã hội trở nên khó khăn, không tự tin, thiếu quyết đoán, nghiêm trọng hơn còn khiến bé trở thành người sống thiếu trách nhiệm và không tình cảm.
Bên cạnh đó là những bậc cha mẹ luôn chủ quan phủ định mọi lời nói, hành động của con mình, luôn so sánh bé với các bé khác, có người còn đem tiêu chuẩn của người lớn áp dụng cho bé. Làm như thế sẽ dần dần giết chết tính tích cực, chí cầu tiến của bé, khiến bé cảm thấy bản thân mình thật vô dụng, ảnh hưởng xấu đến lòng tự ái và tự tin của bé.
Ngoài những lỗi cần tránh trên, các bậc cha mẹ luôn phải ghi nhớ nằm lòng một nguyên tắc dạy con bất di bất dịch. Đó là phải tự suy xét lại mọi lời nói và hành động của bản thân để làm một tấm gương tốt cho con cái noi theo.
Nguồn giadinh.net.vn