Nhiều cơ hội và thách thức cho ngành gạo

Cơ hội vì có thêm thị trường nhập khẩu của Hàn Quốc, Nhật Bản, nhưng thách thức về khả năng đảm bảo tiêu chuẩn gạo để xuất vào các thị trường này.

Sau hơn 3 năm ngừng nhập khẩu gạo của nước ta, mới đây thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc bắt đầu nhập khẩu gạo trở lại. Đây thực sự là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với sản xuất lúa gạo trong nước.

 
Nhiều tập quán canh tác, thu hoạch, bảo quản chưa phù hợp cũng ảnh hưởng đến chất lượng gạo.

Hiện nay, khách hàng Nhật và Hàn Quốc bắt đầu có những đơn đặt hàng thăm dò với sản phẩm gạo nước ta. Năm nay, nhu cầu nhập khẩu gạo của riêng thị trường Nhật Bản khoảng 600.000 tấn, nhưng hiện tại chỉ có một số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo sang thị trường này. Nguyên nhân là mới có ít vùng sản xuất đáp ứng được tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của đối tác Nhật.

Ông Phạm Hoàng Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Lương thực miền Nam, cho biết: “Thị trường gạo của Nhật đòi hỏi chất lượng cao, xuất khẩu gạo sang Nhật phải theo đúng tiêu chí của Nhật về dư lượng các thuốc và phân bón thì mới vào được thị trường này. Điều này đòi hỏi nhiều vấn đề đầu tư phải làm và phải tăng cường công tác kỹ thuật, công tác về đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong lúa. Đối với các tỉnh, phải tổ chức khoanh vùng trồng lúa theo tiêu chuẩn của Nhật. Phải làm được điều đó thì mới xuất khẩu sang Nhật được.”

Trước đó, năm 2008, xuất khẩu gạo thơm của nước ta sang Nhật đã đạt 200 nghìn tấn một năm, nhưng từ đầu năm 2009 đến nay, Việt Nam không còn xuất gạo sang thị trường này do phía đối tác kiểm soát gắt gao về chất lượng, nhất là về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, việc Nhật tái nhập khẩu gạo của nước ta vừa là một tin mừng và vừa là một thách thức lớn. Mừng vì việc tái nhập khẩu cho thấy chất lượng gạo trong nước đã được nâng lên, sản phẩm gạo dần đáp ứng được những tiêu chí khắt khe của đối tác.

Tuy nhiên, nhiều thách thức vẫn còn ở phía trước khi thực tế hiện nay ở nhiều địa phương vẫn còn tình trạng người dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, diện tích gieo trồng giống lúa chất lượng cao còn ít, cùng với thói quen chăm bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa theo đúng quy trình ở một vài nơi dễ dẫn tới nguy cơ sản phẩm không đáp ứng được quy định của nhà nhập khẩu, do đó khả năng một lần nữa bị mất thị trường cũng rất dễ xảy ra.

Để việc xuất khẩu gạo sang Nhật nói riêng và sang các thị trường khác nói chung ổn định, bền vững, vấn đề thay đổi tập quán canh tác của người dân là hết sức cần thiết. Việc hình thành những cánh đồng mẫu lớn thời gian qua ở nhiều địa phương trong cả nước cũng chính là điểm khởi đầu cho một nền nông nghiệp sạch.

Ông Phạm Minh Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng chỉ có mô hình cánh đồng mẫu lớn hoặc canh tác theo kiểu nhiều hộ cùng hợp tác mới đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Nghĩa nhấn mạnh: “Khi người dân canh tác riêng lẻ, sản xuất nhỏ thường phun xịt, sử dụng thuốc một cách thái quá, không đúng bài bản để bảo vệ cho bằng được diện tích lúa của họ. Muốn bảo đảm được chất lượng gạo, đưa nông dân vào những cánh đồng mẫu lớn, trường hợp không hình thành được cánh đồng mẫu lớn thì hợp tác được với nhau, hình thành nhóm nông hộ cùng sản xuất, canh tác theo kiểu hợp tác. Khi đó, người dân sẽ phải tuân thủ những quy định nhất định của hợp tác, của cánh đồng mẫu lớn, từ đó người ta phun xịt đúng lúc hơn, đúng bài bản hơn theo quy trình canh tác cụ thể hơn, hạn chế được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật”.

Nguồn vov.vn