Của... trời cho
Người đầu tiên phát hiện ra giống nhãn tím độc đáo này là ông Trần Văn Huy, ở ấp Phong Thạnh, xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách (Sóc Trăng). Chiều 1-7, xuôi theo quốc lộ Nam Sông Hậu chúng tôi tìm về Phong Nẫm, một xã cù lao nằm giữa sông Hậu. Qua đò Cái Cau, hỏi nhà ông Huy trồng nhãn ai cũng biết, song khi hỏi giống nhãn tím thì không phải ai cũng biết. Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Nẫm tiết lộ: “Lâu nay ổng giữ kín lắm nên ít người biết, mãi cho đến hôm lễ hội sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước vừa diễn ra vào cuối tháng 6-2012 ở huyện Kế Sách, tụi tui nài nỉ dữ lắm ông mới chịu đưa cho UBND xã 5,5 kg đem xuống lễ hội trưng bày. Nào ngờ trong tích tắc, du khách xa gần thấy lạ nên mua hết sạch, với giá 100.000 đồng/kg, cao hơn nhãn long gấp 8 lần”.
Ông Huy bên sản phẩm nhãn tím độc đáo của mình.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ bao quanh là vườn nhãn long, ông Huy kể về chuyện phát hiện ra nhãn tím: “Là dân xứ cù lao nên gia đình tôi sống nhờ vào 2 công vườn nhãn. Cách đây khoảng 10 năm, trong lần ra chăm sóc vườn nhãn tình cờ phát hiện cây nhãn long gần 18 năm tuổi bỗng nhiên xuất hiện một nhánh từ thân cây mẹ đâm ra có lá tím. Thấy lạ nên tôi làm dấu, để ý và chăm sóc bình thường như mọi cây khác. Sau đó từ nhánh lá tím lại cho ra những trái nhãn tím đậm trông rất đẹp và rất lạ. Đến khi chín thì trên cây chẳng còn trái nào bởi người dân xung quanh thấy nhãn tím lạ nên lén hái ăn hết”.
Sợ bị mất luôn giống nhãn tím độc nhất vô nhị này, ông Huy bèn chiết nhánh đem về trồng cạnh bên nhà nhằm tiện trông coi. Chỉ hơn một năm chăm sóc, cây nhãn tím này phát triển tốt và cho trái tím đậm giống hệt như những trái nhãn tím được phát hiện lần đầu tiên ở ngoài vườn. Cả gia đình ông mừng rỡ xem đây là “của trời cho”, nên chiết thêm khoảng 10 cây trồng quanh nhà. Từ đó đến nay do chưa có điều kiện nhân giống và chưa biết nhu cầu thị trường có chuộng loại nhãn tím này không, nên ông Huy vẫn giữ kín.
Nhân rộng để cùng phát triển
Theo ông Huy, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên việc phát triển giống nhãn tím độc đáo này lâu nay chưa thực hiện được. Tuy nhiên, sau lễ hội sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước ở huyện Kế Sách, một người bạn hỏi mua 6 kg nhãn tím đem giới thiệu tại Ngày hội trái ngon, vừa diễn ra ở Chợ Lách (Bến Tre), tiếng tăm nhãn tím ngày càng lan rộng. Những ngày qua giới thương lái kinh doanh trái cây ở các nơi và những cơ sở chuyên sản xuất cây giống ở ĐBSCL, đã liên lạc với ông Huy để hỏi mua trái và giống nhãn tím. Đối với trái, thương lái đặt mua từ 80.000 đồng/kg trở lên, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán sẽ mua cao hơn nhằm phục vụ nhu cầu chưng cúng; còn cây giống mua với giá 1 triệu đồng/cây (cao kỷ lục so với các giống nhãn khác) và bao tiêu toàn bộ số lượng cây giống…
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Huy tâm sự: “Trước đây nông dân Chín Hóa ở huyện Chợ Lách cũng tình cờ phát hiện ra giống sầu riêng cơm vàng sữa hạt lép rất ngon, và sau đó được Bộ NN-PTNT công nhận sầu riêng Chín Hóa là giống cấp quốc gia. Nay tôi cũng là nông dân, may mắn phát hiện ra giống nhãn tím rất lạ. Mong muốn của gia đình là được các nhà khoa học, ngành nông nghiệp… nghiên cứu kỹ về giống nhãn lạ này; nếu là giống quý thì tôi sẵn sàng hợp tác cùng các cơ sở sản xuất giống, ngành liên quan… tăng cường nhân giống và phổ biến rộng cho nhiều người cùng phát triển”.
Trong khi đó, thạc sĩ Vũ Bá Quang, Phó phòng NN-PTNT huyện Kế Sách cho biết thêm, qua tìm hiểu ban đầu cho thấy nguồn gốc nhãn tím này xuất phát từ nhãn long. Quá trình sinh trưởng, phát triển, chất lượng… của nhãn tím cũng tương tự như nhãn long. Tuy nhiên, về màu sắc, mẫu mã thì nhãn tím rất đẹp và trông khá ấn tượng. Mỗi năm nhãn tím cho trái 2 đợt và có thể xử lý ra trái vụ nghịch hoặc ngay dịp tết đều được. Hiện ngành nông nghiệp huyện đánh giá cao về triển vọng của nhãn tím độc đáo này. Cũng theo thạc sĩ Quang, để bảo vệ và phát triển nhãn tím, Phòng NN-PTNT huyện sẽ hỗ trợ cho ông Huy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và xây dựng thương hiệu cho nhãn tím.
Nguồn Báo SGGP Online