Cái tên làm nên thành phố
Cái tên Thủ Dầu Một, theo truyền khẩu là vì có đồn binh canh giữ tại huyện lỵ Bình An, nằm trên ngọn đồi có cây dầu lớn quen gọi là "cây dầu một". Vùng đất phía tả ngạn sông Sài Gòn này có địa thế đặc biệt, đất đai phì nhiêu, là cửa ngõ vào Gia Ðịnh - Chợ Lớn..., vì vậy nhiều người đã dừng chân an cư, lạc nghiệp. Dù lý giải thế nào, thì cái tên Thủ Dầu Một, từ năm 1948 đã hiển hiện trên các văn bản hành chính, là trung tâm, đầu não của tỉnh Sông Bé xưa và Bình Dương ngày nay.
Thành phố Thủ Dầu Một. Ảnh: Trần Tình
Có xa xôi gì, trước "Ðổi mới", Thủ Dầu Một vẫn là vùng đất hội tụ các làng nghề hàng trăm tuổi có tiếng như: gốm Minh Long, sơn mài Tương Bình Hiệp, chạm khắc gỗ... nức tiếng các tỉnh gần xa. Ngoài các làng nghề, người dân Thủ Dầu Một thu nhập chủ yếu dựa vào vườn cây trái và sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Sau "đổi mới", các địa phương lân cận như: TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển mình mạnh mẽ, thì Bình Dương nói chung, Thủ Dầu Một nói riêng vẫn mang bóng dáng của thị xã thuần nông chất phác, chậm phát triển.
Chỉ khoảng 20 năm trở lại đây, từ một đô thị nhỏ, chưa được quy hoạch, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân còn khó khăn, đến nay Thủ Dầu Một liên tục phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Từ các làng nghề, vài khu phố cổ khu chợ Thủ, đến nay diện tích tự nhiên là 11.866 ha, dân số: 244.277 người, với 11 phường và ba xã. Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2006-2010 bình quân đạt 23,3%/năm, riêng năm 2011 là 27,7% và chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng là: 60,8%-38,9% và 0,3%. TP Thủ Dầu Một hiện có bảy khu công nghiệp tập trung, thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong, ngoài nước đến đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh. Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người là 49 triệu đồng. Chỉ vài nét chấm phá, có thể hình dung tốc độ phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ của đô thị trẻ như Thủ Dầu Một.
Ông Nguyễn Thành Tài, người đầu tiên là Chủ tịch UBND TP Thủ Dầu Một, nói trong niềm tự hào, nếu năm 2007, Thủ Dầu Một là đô thị loại III, thì năm năm sau đã là thành phố loại II, tỷ lệ đô thị hóa đạt 87,87%, với 97,77% lao động phi nông nghiệp; diện tích nhà ở bình quân 18,78 m2/người và 93,32% là nhà xây kiên cố, bán kiên cố; gần 100% các hộ dân sử dụng nước sạch... Ðảng bộ, chính quyền và người dân Thủ Dầu Một phấn đấu đến năm 2020 là đô thị loại I, trực thuộc Trung ương.
Thành phố thân thiện môi trường
Ði trên các đại lộ Bình Dương, Nguyễn Tri Phương và các con đường ven sông Sài Gòn tại Thủ Dầu Một những ngày cuối tháng 6, chúng tôi có cảm giác, cả chính quyền và người dân đang nỗ lực chuẩn bị để đón ngày chính thức là thành phố. Trên các đại lộ, các tuyến đường, khắp nơi băng-rôn, cờ Ðảng, cờ Tổ quốc tung bay trong gió sớm.
Nhìn khuôn mặt ánh niềm tự hào của những công dân thành phố mới, tôi nhận ra làn gió "đổi mới" đã thấm đẫm trong mỗi người dân. Bà Nguyễn Thị Dinh, cán bộ hưu trí, khu phố 5, phường Phú Hòa vận động bà con vệ sinh ngõ hẻm, đường phố chuẩn bị đón mừng thị xã Thủ Dầu Một lên thành phố... Các trung tâm thương mại của Becamex, cửa hàng, cửa hiệu trên Ðại lộ Bình Dương, các tuyến đường lớn khu trung tâm rực rỡ đèn hoa.
Thủ Dầu Một cách TP Hồ Chí Minh khoảng 30 km, đứng ở tầng 20 tòa nhà Becamex, vào lúc trời trong nhìn rõ mồn một các tòa nhà cao tầng ở TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai và cảng Sài Gòn. Phóng tầm mắt ra chung quanh, ta bắt gặp những mảng xanh thấp thoáng mái cong những ngôi chùa, xen lẫn những khối nhà mới sơn trắng ngà. Buổi chiều tà hóng mát dọc sông Sài Gòn, hay đứng trên cầu Phú Cường ngắm về trung tâm, TP Thủ Dầu Một nghiêng nghiêng bên dòng sông Sài Gòn thơ mộng.
Tôi đã có dịp đi qua nhiều thành phố, mỗi nơi mỗi vẻ. Hà Nội cổ kính, Huế trầm mặc, TP Hồ Chí Minh sôi động, Hội An thanh bình... Thủ Dầu Một là thành phố nằm xen giữa những vườn cây trái, làng gốm, làng sơn mài, những ngôi chùa cổ. Nếu chỉ nhìn bề ngoài, đi trên các đại lộ, các con đường lớn, hoặc các trung tâm thương mại, khu công nghiệp... ta có cảm giác TP Thủ Dầu Một hiện đại, hào hoa. Nhưng chỉ cần rẽ vào những con đường nhỏ vài chục mét thôi thì sự ồn ào được thay vào những hàng rào, vườn cây xanh ngắt thanh bình. Nơi đây còn lưu giữ nhiều ngôi nhà cổ, kề bên ngôi nhà hiện đại, bến sông, chợ... tất cả hòa quyện vào nhau, bao dung như người Thủ Dầu Một.
Ngoài phát triển kinh tế, y tế, giáo dục cũng được quan tâm đặc biệt. Ðến thời điểm này, 100% số trạm đạt chuẩn y tế phường xã; gần 50% số trường đạt chuẩn quốc gia; từ lúc chưa có trường đại học, nay Thủ Dầu Một có sáu trường đại học, bốn trường cao đẳng và bảy trường trung cấp, mỗi năm đào tạo hàng chục nghìn sinh viên, cung cấp nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố. Có thể nói, Thủ Dầu Một là thành phố vừa đậm nét truyền thống, vừa hiện đại, có môi trường sinh thái tốt.
Tuy vậy, như Chủ tịch UBND TP Thủ Dầu Một Nguyễn Thành Tài nhìn nhận, còn một số mặt hạn chế, một số chỉ tiêu chưa đạt, như quy mô dân số nhỏ, ý thức nếp sống văn minh đô thị của một bộ phận người dân chưa tốt, trật tự đô thị chưa nghiêm, quản lý nhà nước lĩnh vực xây dựng còn lỏng lẻo... Sắp tới chính quyền sẽ tập trung phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực, quản lý quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng. Từng bước thay đổi ý thức và nếp sống văn minh đô thị của một bộ phận người dân, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ đường phố xanh - sạch - đẹp và nâng cao chất lượng, cảnh quan kiến trúc đô thị. Ðến năm 2020, đô thị Thủ Dầu Một sẽ phát triển các khu du lịch sinh thái, khu đô thị dọc ven sông Sài Gòn và phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị thân thiện với môi trường.
Nguồn Báo Nhân Dân điện tử