Vực dậy
Không phải đến bây giờ người dân trong tỉnh mới nghe nhắc đến hoặc tiếp cận với nghề trồng rong sụn. Thực ra, nghề này đã bắt đầu xuất hiện tại Bình Thuận từ năm 2002 và phát triển mạnh vào năm 2003, tập trung tại 2 huyện Tuy Phong và Phú Quý. Tuy nhiên từ năm 2004, do môi trường nắng nóng kéo dài khiến rong chậm lớn, bị cá ăn hay bị bệnh trắng nhũn thân. Cộng thêm giá cả và thị trường tiêu thụ rong sụn không ổn định, đã khiến nghề trồng rong sụn gặp nhiều khó khăn và không còn phát triển mạnh như trước. Tính đến thời điểm năm 2005, tổng diện tích trồng rong sụn trên địa bàn Tuy Phong và Phú Quý có chưa tới 112 ha. Riêng huyện Tuy Phong đã dự kiến quy hoạch thành 4 vùng trồng, tập trung tại 2 xã Vĩnh Tân và Vĩnh Hảo, với diện tích 56,86 ha. Nhưng đó vẫn chỉ là quy hoạch. Từ đó đến nay, nghề trồng rong sụn vẫn “nhạt nhòa”, chìm lắng.
Người dân xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong) đưa rong sụn giống xuống biển chuẩn bị trồng.
Ông Phạm Kim Thành - Trưởng Phòng Khuyến ngư (Trung tâm KNKN tỉnh) cho biết: Để vực dậy nghề trồng rong sụn trên biển, từ cuối tháng 3/2012, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KNKN) tỉnh phối hợp với Trung tâm KNKN Ninh Thuận đã triển khai mô hình trồng rong sụn trong lồng lưới trên biển. Trong đó, Trung tâm KNKN tỉnh hỗ trợ đợt 1 là 4 tấn giống/1,6 ha (trị giá 14 triệu đồng) cho 4 hộ ở xã Vĩnh Tân (Tuy Phong). Đây là vùng đất nằm phía ngoài của khu vực nhiệt điện Vĩnh Tân nên rất êm sóng, thuận lợi cho việc thả nuôi rong. Với mô hình này, quá trình trồng rong sụn sẽ khắc phục và hạn chế tối đa “vấn nạn” rong bị cá ăn và sóng đập gãy. Bởi thực tế trước đây, rong sụn thường được thả trực tiếp xuống biển thông qua dàn dây leo rồi cột rong vào. Đây là những hạn chế khiến người trồng bị thiệt hại về kinh tế. Thay vào đó, trồng rong sụn trong lồng lưới (mỗi lồng cao 1m, đường kính 50 cm, cách nhau 1m và đặt trồng cách bờ khoảng 20- 30m) có tác dụng ngăn cá vào ăn rong. Đồng thời người trồng có thể dễ dàng kiểm tra, vệ sinh lồng lưới hàng ngày.
Lợi nhuận cao, thị trường ưa chuộng
Ông Lê Xuân Phi, 1 trong 4 hộ dân tham gia mô hình tại xã Vĩnh Tân chia sẻ: “Tôi trồng rong sụn trên biển liên tục từ năm 2002 đến năm 2006. Theo kinh nghiệm và thực tế của gia đình, nếu thả 1 tấn rong giống (giá khoảng 8.200 đồng/kg tươi), trong vòng gần 2 tháng sau có thể cho thu hoạch 5 tấn rong thương phẩm. Khác với những năm trước, hiện rong sụn rất được thị trường ưa chuộng. Rong sụn được các thương lái đến tận nơi mua với giá từ 17.000 - 22.000 đồng/kg rong khô và 2.500 - 3.000 đồng/kg rong tươi (chủ yếu tiêu thụ ngoài tỉnh). Tính ra mỗi năm, gia đình tôi có thể thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng”. “Tuy nhiên, phải lưu ý là trồng rong sụn chủ yếu từ tháng 6 đến tháng 4 năm sau. Bởi ngoài thời gian trên, thường các loại cá kình nhỏ sẽ tập trung vào bờ, chui vào lồng, lớn lên và ăn rong” - ông Phi chia sẻ thêm.
Theo các nghiên cứu chế biến rong sụn gần đây của Trường Đại học Bách Khoa Tp. Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ…, từ nguyên liệu rong sụn khô sản xuất ra bột Carrageenan bán tinh khiết và tinh khiết, được sử dụng rộng rãi làm chả giò, chả cá thay thế cho hàn the. Ngoài ra, dùng trong sản xuất các loại kẹo dẻo trái cây, mứt rong khô, bánh tráng rong sụn… Còn trong nông nghiệp, chế biến ra sản phẩm dịch rong làm phân bón cho cây trồng, ứng dụng cho sản xuất rau sạch. Song song đó, rong sụn còn có tác dụng lớn trong việc hấp thụ một số các yếu tố dư dưỡng, gây nhiễm bẩn và góp phần đa dạng sinh học môi trường ven biển. Chính những hiệu quả đó từ cây rong sụn, ngành nông nghiệp gọi đây là cây xóa đói giảm nghèo của người dân ven biển.
Nguồn Báo Bính Thuận Online