Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo pháp luật hiện hành, quy định về thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành chỉ mới quy định những vấn đề chung, áp dụng cho tất cả các bộ ngành. Do vậy, còn nhiều vấn đề cần phải được quy định cụ thể hơn để làm cơ sở pháp lý cho các hoạt động thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Mặt khác, Nghị định số 07/2012/NĐ-CP quy định Bộ Thông tin và Truyền thông có 5 cơ quan trực thuộc được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành là: Cục Tần số vô tuyến điện, Cục Viễn thông, Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Báo chí, Cục Xuất bản và các Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực trực thuộc Cục Tần số vô tuyến điện. Nhưng hiện vẫn chưa có quy định cụ thể như tên gọi của bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan trên. Đồng thời, bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành cần bổ sung thêm nhiệm vụ khác như quản lý về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng,...
Theo dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Thông tin và Truyền thông bao gồm: Thanh tra Bộ; Thanh tra Sở; 5 Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (Cục Tần số vô tuyến điện; Cục Viễn thông; Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử; Cục Báo chí; Cục Xuất bản); Các Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực thuộc Cục Tần số vô tuyến điện; Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở có con dấu và tài khoản riêng.
Dự thảo cũng đề xuất quy định cho phép các Cục thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành được thành lập phòng tham mưu và giúp việc cho Cục trưởng để thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Trong đó, nhiệm vụ, quyền hạn, biên chế và cơ cấu tổ chức của phòng tham mưu, giúp việc trực thuộc Cục do Cục trưởng quy định.
13 lĩnh vực thanh tra chuyên ngành
Cũng theo dự thảo, hoạt động thanh tra chuyên ngành, bao gồm 13 lĩnh vực cụ thể là: 1. Các quy định về Báo chí; 2. Các quy định về xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm; 3. Các quy định về quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng và trên xuất bản phẩm, quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin; 4. Các quy định về bưu chính; 5. Các quy định về viễn thông và Internet; 6. Các quy định về truyền dẫn phát sóng, tần số vô tuyến điện; 7. Các quy định về công nghệ thông tin, điện tử; 8. Các quy định về phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; 9. Các quy định về thông tin tuyên truyền, cổ động; 10. Các quy định về hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia; 11. Các quy định của pháp luật về bản quyền đối với sản phẩm báo chí, chương trình phát thanh truyền hình đã mã hóa, xuất bản, sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông; quyền sở hữu trí tuệ các phát minh, sáng chế thuộc các ngành lĩnh vực quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông; 12. Các quy định về dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông; 13. Các quy định khác của pháp luật theo thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Về hình thức, thanh tra thông tin và truyền thông được thực hiện theo chương trình, kế hoạch, thanh tra thường xuyên và thanh tra đột xuất.
Trong đó, thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao.
Thanh tra thường xuyên được tiến hành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Nguồn www.chinhphu.vn