Rau rệu thường mọc hoang dại ở ven đường, bãi sông, bờ ruộng ẩm. Người ta thường hái các đọt non về làm rau ăn. Dùng làm thuốc thì thu hái cây vào mùa hè thu, rửa sạch đất cát và phơi khô, bảo quản nơi khô thoáng để dùng dần, cũng có thể dùng cây tươi để làm thuốc.
Theo Đông y, rau rệu có vị ngọt nhạt, tính mát, có tác dụng chống viêm, lọc máu, lợi tiểu, tiêu sưng, chống ngứa, giải nhiệt độc. Thường được dùng để chữa bệnh hô hấp, viêm hầu hộng, ho ra máu, kiết lỵ, đi tiểu khó, tiểu ít, các bệnh ngoài da như: viêm da, viêm mủ da, viêm vú, mẩn ngứa, nấm ngoài da…
Rau rệu có lượng protein khá cao, gấp 2 lần rau muống, cải bó xôi, gấp 3 lần rau dền, mướp, gấp 4 lần củ cải, bắp cải… Do đó rau rệu là nguồn bổ sung khá tốt chất đạm, chất xơ và vitamin cho bữa ăn hàng ngày.
Rau rệu chống viêm, lợi tiểu. Ảnh: TL
Các bài thuốc từ rau rệu
Bài 1: Chữa viêm đường tiết niệu, tiểu buốt, tiểu ít: Rau rệu 20g khô hoặc 60 - 80g tươi, mã đề 12g, rễ cỏ tranh 12g, rau má 12g, bồ công anh 16g, cỏ mần trầu 10g, cam thảo đất 8g. Sắc với 1 lít nước, còn lại 300ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn. Uống từ 5 - 7 ngày.
Bài 2: Chữa đi ngoài ra máu do kiết lỵ: Rau rệu 20g khô hoặc 80g tươi, cỏ mực 20g (sao đen), kinh giới 12g (sao đen), lá huyết dụ 16g. Sắc với 750ml nước, còn lại 300ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn. Uống 5 ngày.
Bài 3: Viêm da có mủ, mẩn ngứa, nấm: Dùng 60 - 120g cây rau rệu tươi giã lấy nước uống, bã đắp lên vết thương hoặc sắc 15 - 30g rau rệu khô với nước uống trong ngày. Đắp và uống liên tục 5 - 7 ngày.
Bài 4: Hỗ trợ giảm sốt do cảm nắng: Nấu canh rau rệu với cá diếc hoặc với thịt nạc ăn với cơm trong ngày. Ăn 3 ngày.
Cỏ mực.
Nguồn www.suckhoedoisong.vn