Kỳ thi đại học năm 2012 - Tỉ lệ thí sinh làm thủ tục dự thi cao

Sáng ngày 3-7, thí sinh khối A, A1 và V tập trung tại các điểm thi trên cả nước để nghe phổ biến quy chế, làm thủ tục dự thi. Đúng 8h sáng, các thí sinh bắt đầu được gọi vào phòng nghe giám thị phổ biến lại quy chế, nếu có sai sót giấy tờ thì báo với hội đồng thi để kịp thời sửa chữa.

* Tại Hà Nội, rạng sáng và sáng sớm nay có mua rào. Rất may đến thời điểm thí sinh đến làm thủ tục dự thi thì trời hết mưa, vì thế thời tiết Hà Nội khá mát mẻ. Tuy nhiên, do thời điểm thí sinh đến các điểm thi tập trung trùng với giờ đi làm nên các tuyến đường tập trung nhiều trường đại học, điểm thi đã xảy ra ùn tắc kéo dài. Đặc biệt là tuyến đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân (nơi có các trường Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, Học viện An ninh, ĐH Kiến trúc, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia..); tuyến đường Giải Phóng, tuyến đường Xuân Thủy, Cầu Giấy... gây khó khăn cho người nhà và thí sinh cũng như người dân lưu thông trên đường.

Theo nhận định của phóng viên, một số trường như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Nông nghiệp Hà Nội…, năm nay, lượng thí sinh sai sót hồ sơ phải chỉnh sửa không nhiều. Những sai sót vẫn chủ yếu liên quan đến mã ngành dự thi.

Thống kê ban đầu của trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, năm nay trường có 73,43% thí sinh đến làm thủ tục dự thi, tương được năm trước. Tuy nhiên, trường cũng dự đoán, sáng mai sẽ còn một bộ phận thí sinh nữa đến làm thủ tục nên tỷ lệ này sẽ còn tăng. Số lượng thí sinh đến làm thủ tục dự thi sẽ được các trường thống kê ngay sau khi kết thúc buổi làm thủ tục.

TPHCM: Nhiều sự cố về giấy báo dự thi

Cụm thi TPHCM có trên 217.000 thí sinh đến làm thủ tục tự thi. Ghi nhận tại các hội đồng thi, công tác làm thủ tục diễn ra khá nhanh chóng. Các giám thị bên cạnh việc phổ biến quy chế thi, nhắc nhở thí sinh những điểm cần lưu ý, các giám thị đặc biệt lưu ý với thí sinh về những vật dụng được mang vào phòng thi nhất là các thiết bị ghi âm, ghi hình vừa được Bộ GD-ĐT cho phép mang vào phòng.

Thí sinh đến Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM nhờ giải quyết mất Giấy báo dự thi.
Ảnh: Thanh Hùng

Theo thống kê từ các trường ĐH cho thấy, tỷ lệ thí sinh đến làm thủ tục dự thi sáng 3-7 khá cao. TS Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn cho biết, số thí sinh đến làm thủ tục dự thi của trường là 23.439 thí sinh đạt tỉ lệ 83%. Trường ĐH Luật TPHCM có 5.078 thí sinh đến làm thủ tục dự thi, đạt tỉ lệ 78,2%. Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Tài Nguyên và Môi trường năm đầu tiên tổ chức thi ĐH cũng có số thí sinh đến làm thủ tục dự cao lần lượt là 75,2% và 77%. Tại các trường ĐH khác tỷ lệ thí sinh đến làm thủ tục dự thi cũng khá cao như Trường ĐH Sư phạm TPHCM: 78%, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM: 65%, Trường Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) 70%, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM số lượng thí sinh đến làm thủ tục dự thi trên 80%.

Trong ngày làm thủ tục dự thi, nhiều sự cố hy hữu về giấy báo dự thi đã xuất hiện. Cụ thể, từ tờ mờ sáng, thí sinh Võ Thị Kim Thuận (10-8-1993), học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (xã Lương Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) đã đến hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM thắc mắc “vì sao em nộp hồ sơ đăng ký dự thi khối A vào ngành công nghiệp thực phẩm (D540101) nhưng vẫn không có giấy báo dự thi”.

Sau khi nghe thí sinh này trình bày, cán bộ tuyển sinh của trường kiểm tra dữ liệu gốc nhưng không có. Sau đó, nhà trường đã liên hệ với Sở GD-ĐT Bình Thuận để giải quyết.

Theo công văn của Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận, thí sinh Thuận đăng ký 3 hồ sơ và trong đó có 1 hồ sơ đăng ký dự thi vào Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM nhưng cán bộ phụ trách tuyển sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã không nhập dữ liệu hồ sơ này.

Trước tình thế này, Sở GD-ĐT đã có công văn đề nghị Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho em Thuận được bổ sung hồ sơ đăng ký dự thi.

Cùng ngày, thí sinh này đã đến Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM và được đơn vị này có công văn khẩn đề nghị hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cấp giấy báo dự thi để em Thuận được dự thi vào ngày mai.

Hy hữu hơn là trường hợp của thí sinh Nguyễn Huỳnh Như (huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) đã đến báo cáo với Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM về việc em đăng ký thi khối A vào Trường ĐH An ninh Nhân dân TPHCM nhưng bị mất hết giấy tờ.

Trước thực tế này, Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT đã liên hệ với Trường ĐH An ninh Nhân dân TPHCM xác minh sự việc nhằm giải quyết bảo đảm cho thí sinh này được dự thi.

Tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, sau khi làm thủ tục dự thi, phòng tuyển sinh đã tiếp hàng trăm thí sinh đến yêu cầu chỉnh sửa sai sót trên giấy báo dự thi.

Theo PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TPHCM: “Ngày 2-7, trường cũng tiếp nhận một thí sinh tại Long An đăng ký dự thi vào trường nhưng trường THPT ở Long An lại không bàn giao hồ sơ của thí sinh cho Sở GD-ĐT tỉnh Long An nên sở không chuyển dữ liệu về cho nhà trường. Sau khi kiểm tra, trường đã yêu cầu Sở GD-ĐT tỉnh Long An có công văn xác nhận để trường giải quyết và cấp giấy báo dự thi ngay cho thí sinh”. Ngoài sự cố trên, trường này cũng cấp lại 2 giấy báo dự thi mới cho hai thí sinh bị các Sở GD-ĐT chuyển hồ sơ lộn qua Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM.

Trong khi đó, tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM thí sinh vây kín phòng đào tạo để yêu cầu chỉnh sửa giấy báo dự thi.

Từ ngày 29-6 đến ngày 1-7 Bộ GD-ĐT liên tiếp ra 3 văn bản thông báo về điều chỉnh quy chế mà cụ thể là xoay quanh việc quy định thí sinh được mang “các thiết bị ghi âm, ghi hình” (gọi tắt là các thiết bị điện tử).

Đại diện nhiều hội đồng tuyển sinh cho biết, đa phần các trường tập huấn trước ngày thi đến cả tuần nhưng việc Bộ GD-ĐT ra các văn bản như thế khiến chủ tịch hội đồng tuyển sinh cũng lúng túng chứ đừng nói đến cán bộ, giám thị coi thi.

Đại diện một trường tại TPHCM cho biết, trường tập huấn cho cán bộ tham gia coi thi ngày 29 và 30-6. Như vậy 50% cán bộ tập huấn ngày 29 là không nắm rõ thông tư điều chỉnh quy chế của Bộ GD-ĐT (thông tư ra vào buổi chiều). Hơn nữa, các văn bản của Bộ GD-ĐT cũng không giải thích rõ thí sinh được mang loại máy ghi âm, ghi hình, máy ảnh nào.

Chính vì vậy, trong buổi phổ biến quy chế thi sáng ngày 3-7, một số trường cũng in vội công văn đăng trên wesite của Bộ GD-ĐT để tranh thủ thông báo cho cán bộ, giám thị coi thi được rõ để phổ biến cho thí sinh. Tuy nhiên, theo ghi nhận tại nhiều phòng thi, điểm thi của Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Mở, ĐH Hoa Sen dường như không in thông báo quy định về các loại thiết bị điện tử mà thí sinh được phép mang vào phòng thi. Cũng có một số trường với chủ trương siết chặt kỹ luật phòng thi, các cán bộ coi thi đã thông báo với thí sinh là không được mang bất cứ các thiết bị ghi âm, ghi hình, máy ảnh, điện thoại di động khi bược vào phòng thi.

Dù thí sinh đến làm thủ tục dự thi cao nhưng tình hình giao thông tại TPHCM không xảy ra tình trạng kẹt xe. Tại khu vực Thủ Đức tuy rất đông thi sinh đổ về nhưng tình hình giao thông trong buổi sáng ngày 3-7 khá tốt. Ngoại trừ thời điểm từ 6 giờ 30 phút đến 7 giờ và từ 9 giờ đến 10 giờ trên các tuyến đường Kha Vạn Cân, Võ Văn Ngân, ngã tư Thủ Đức…(quận Thủ Đức) có xảy ra ùn tắc cục bộ tại khu vực trước các điểm thi do lưu lượng người tham gia giao thông trong thời điểm đó tăng đột biến. Đặc biệt là lúc 9 giờ 20 phút trên xa lộ Hà Nội đã xảy ra tình trạng kẹt xe kéo dài từ Nhà máy CocaCola về ngã tư Thủ Đức. Nguyên nhân là do có một chiếc xe tải trên đường vào nội thành đã bị chết máy giữa đường đúng vào thời điểm các thí sinh ra về nên gây ùn tắc kéo dài. Tuy nhiên với sự hỗ trợ từ các tình nguyện viên tiếp sức mùa thi và lực lượng CSGT thì tình hình ùn tắc giao thông nhanh chóng được giải quyết.

Tại khu vực trước cổng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) ở Thủ Đức, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo khá tốt. Sự phân luồng và phân bố vị trí cho phụ huynh người nhà thí sinh cũng tương đối khoa học nên đã “xóa” được cảnh lộn xộn, ùn tắc trước điểm thi tại khu vực này.

Năm nay, điểm nóng về kẹt xe tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cơ bản được giải quyết. Dù có đến gần 12.000 thí sinh dự thi tại đây nhưng trong buổi sáng tình hình giao thông chỉ ùn tắc chứ không kẹt xe hàng giờ như mọi năm. Đáng nói là ngay từ sáng sớm, CSGT, Công an Quận Gò Vấp, Công an phường 4 và lực lượng dân phòng đã tập trung dẹp hàng quán, điều tết, phân luồng giao thông.

 

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Ban chỉ đạo tuyển sinh Bộ GD-ĐT, trong những ngày thi, thí sinh nên đi sớm để tránh tình trạng kẹt xe vì các ngày thi diễn ra những ngày giữa tuần nên dễ xảy ra tình trạng kẹt xe.

Đại học Huế: 83,5% thí sinh đến làm thủ tục dự thi

 

Sáng nay 3-7, thí sinh dự thi tuyển sinh vào các khoa, trường thành viên ĐH Huế đến 23 địa điểm thi đặt tại TP Huế để nghe phổ biến quy chế thi, sửa chữa và hoàn tất thủ tục dự thi. Một số thí sinh đã được Hội đồng tuyển sinh chỉnh sửa những sai sót do việc nhập dữ liệu từ tuyến dưới về các lỗi: họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh, đối tượng, khu vực ưu tiên...

Đã có 83,5% thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào các khoa, trường thành viên ĐH Huế đến làm thủ tục và nghe phổ biến quy chế thi.

Thí sinh ở xa về Huế dự thi nhận phiếu ăn cơm chay miễn phí
do Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức. Ảnh: Văn Thắng

Trao đổi với Phóng viên Báo SGGPO, Đại đức Thích Không Nhiên, Trưởng ban tiếp sức mùa thi ĐH-CĐ 2012 thuộc Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, Đoàn sinh, TNV đang tổ chức phát phiếu đăng ký ăn cơm chay miễn phó cho thí sinh và người nhà tại các địa điểm ĐH Huế tổ chức thi tuyển sinh đợt 1. Đã có 4 ngàn thí sinh ở xa về Huế dự thi tuyển sinh đại học đợt 1 đã nhận phiếu ăn cơm chay miễn phí trong hai ngày 4 và 5-7.

Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế tham gia Chương trình Tiếp sức mùa thi ĐH-CĐ năm 2012 với 12.000 suất cơm chay miễn phí cho các sĩ tử và người nhà ở xa. Mỗi suất cơm chay miễn phí giá khoảng 25.000 đồng, gồm cơm canh, 4 món thức ăn, tráng miệng sữa chua và nước uống đóng chai. Tổng kinh phí dự kiến vào khoảng 300 triệu đồng do phật tử đóng góp.

Công an TP Huế cho biết, kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012, Thừa Thiên - Huế tổ chức đón hàng trăm ngàn lượt thí sinh và người nhà từ các tỉnh bạn về dự thi. Để đảm bảo an ninh trật tự cho kỳ thi, Công an TP Huế chú trọng triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ từ “diện” đến “điểm”. Theo đó, bố trí lực lượng trực tiếp tham gia bảo quản đề thi, đảm bảo trật tự tại các điểm thi và lực lượng CSGT làm công tác đảm bảo TTATGT, chống ùn tắc tại các nút giao thông trọng điểm trên địa bàn. Triển khai lực lượng tại các bến tàu, bến xe để chống tình trạng chèn ép khách, trộm cắp tài sản, cò mồi. Mặt khác, Công an các phường tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, răn đe, giáo dục các loại tội phạm để đảm bảo cho thí sinh về dự thi được diễn ra an toàn. Đồng thời, duy trì hoạt động các tổ tuần tra, kiểm soát giao thông tại nút giao thông, chợ, bến xe, bến tàu. Tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở là chính, hạn chế những sai phạm, xử lý tạo mọi điều kiện cho thí sinh, nhất là thí sinh ở các tỉnh bản về Huế ứng thí dự thi...

Hội đồng tuyển sinh Đại học Huế năm 2012 cho biết, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị để kỳ thi tuyển sinh diễn ra nghiêm túc, an toàn đã hoàn tất. Hội đồng tuyển sinh Đại học Huế đã hoàn thành việc bố trí điểm thi, phòng thi, gửi Giấy báo dự thi cho thí sinh...

Hội đồng cũng huy động tối đa cán bộ và chuẩn bị đủ số lượng sinh viên năm cuối tham gia công tác coi thi. Theo đó, đợt 1 có 1.498 cán bộ tham gia công tác coi thi, phụ trách điểm thi; đợt 2 có 3.270 cán bộ và sinh viên (SV) năm cuối coi thi, trong đó số SV năm cuối coi thi là 1.215 SV. Hội đồng tuyển sinh Đại học Huế đã tiến hành tập huấn nghiệp vụ coi thi 2 đợt cho SV và cán bộ được điều động đi coi thi lần đầu; tập huấn cho Ban phụ trách điểm thi để Ban phụ trách điểm thi có nhiệm vụ sẽ tập huấn cho cán bộ làm nhiệm vụ thi vào buổi sáng tập trung thí sinh của đợt 1 (3/7) và đợt 2 (8/7).

UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có công văn chỉ đạo các cơ quan, ban ngành như Điện lực, Công an, Y tế, Giao thông… hỗ trợ cho kỳ thi tuyển sinh. Cụ thể, có kế hoạch cung cấp điện đầy đủ cho các điểm thi, nơi nhận in sao đề thi và Trung tâm điều hành coi thi, chấm thi; Công an tỉnh đã có kế hoạch gửi Đại học Huế về phương án bảo vệ trật tự, an ninh, an toàn cho kỳ thi tuyển sinh; các ngành Y tế, giao thông,... đều có phương án đảm bảo tốt các điều kiện phục vụ thí sinh và cán bộ làm công tác tuyển sinh trong thời gian thi. Vừa qua, Thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã vào kiểm tra công tác chuẩn bị tuyển sinh, địa điểm nhân sao đề thi đã có đánh giá tốt về công tác chuẩn bị tuyển sinh của Hội đồng tuyển sinh Đại học Huế, đánh giá nơi làm đề thi của Đại học Huế đã thực hiện đúng quy chế và yêu cầu của Bộ.

Nguồn Báo SGGP Online