Đồng thời, các cơ sở giáo dục đại học cũng thành lập các đoàn thanh tra, hoặc cử cán bộ thanh tra cắm chốt để thực hiện các nội dung: Thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, thanh tra công tác chấm phúc khảo và thanh tra công tác xét tuyển.
Đối với thanh tra công tác coi thi, sẽ tập trung giám sát công tác điều hành của Trưởng ban coi thi và các thành viên trong ban coi thi; phương án tổ chức phân công cán bộ coi thi; Kiểm tra việc thực hiện quy chế của thí sinh; Giám sát việc xử lý vi phạm quy chế đối với đối tượng tham gia kỳ thi...
Trong thanh tra công tác chấm thi có nội dung giám sát việc thực hiện quy trình làm phách và công tác bảo mật phách; Kiểm tra việc thực hiện quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đối với cán bộ chấm thi và thủ tục mời người ngoài cơ sở đến chấm thi (nếu có)...
Khi phát hiện thí sinh vi phạm quy chế, cán bộ thanh tra phải kiên quyết yêu cầu cán bộ coi thi xử lý theo quy định, lập biên bản ghi nhớ và theo dõi việc xử lý.
Khi phát hiện lãnh đạo, cán bộ coi thi, cán bộ chấm thi, nhân viên phục vụ ban coi thi, ban chấm thi vi phạm quy chế hoặc có hành vi thiếu trách nhiệm thì yêu cầu lãnh đạo Hội đồng tuyển sinh, Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học lập biên bản xử lý theo quy định và lập biên bản ghi nhớ, theo dõi việc xử lý.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoạt động thanh tra thi nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm đồng thời giúp các cơ quan quản lý thu thập thông tin kịp thời, chính xác để đề ra giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc, ứng phó với mọi tình huống bất thường có thể xảy ra.
Nguồn www.chinhphu.vn