Tuy nhiên, điều đáng bàn là, cán cân hồ sơ vẫn lệch một cách rõ ràng về các ngành Tài chính, Ngân hàng, Kinh tế, Quản trị Kinh doanh. Chính điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi: liệu có phải học sinh đang thiên về chọn trường dễ trúng tuyển hơn là chọn nghề có cơ sở khoa học.
Tư vấn tuyển sinh trước kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2012. Ảnh: gdtd.vn
Chuyên viên phòng GDTX&CN sở GD&ĐT Điện Biên Đặng Thị Nhụy cho biết, năm nay, tỷ lệ thí sinh ĐKDT vào các trường ĐH Tây Bắc, ĐH nông nghiệp Hà Nội; ĐH Lâm nghiệp, CĐ sư phạm Điện Biên vẫn chiếm tỷ lệ cao. Cụ thể, ĐH Tây Bắc có 1922; ĐH Nông nghiệp Hà Nội: 395 hồ sơ; 185; CĐSP Điện Biên: 1922 hồ sơ và CĐ Kinh tế - Kĩ thuật Điện Biên: 251 hồ sơ. Đặc biệt số lượt thí sinh ĐKDT vào trường ĐH Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội tăng đột biến với 101 lượt hồ sơ, tăng 79 lượt so với năm 2011.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, năm 2012, toàn tỉnh có 34.744 hồ sơ ĐKDT vào ĐH, CĐ, giảm 7542 hồ sơ (17,83 %) so với năm 2011. Trong đó có 18375 hồ sơ khối A, chiếm đến 52,89 %. Tiếp đến khối B có 7561 hồ sơ, chiếm 21,76 %; khối D1 có 3908 hồ sơ, chiếm 11,25 %; khối C: 2950 hồ sơ, chiếm 8,49 %... Cũng theo sở này, hồ sơ đăng ký vào lĩnh vực kinh doanh và quản lý nhiều nhất với 6508 hồ sơ ĐH (18,75 %); 2880 hồ sơ CĐ (8,29 %). Tiếp đến là lĩnh vực sức khoẻ với 2681 hồ sơ ĐH (7,72 %); 1332 hồ sơ CĐ (3,83 %); kiến trúc và xây dựng: 2631 hồ sơ ĐH (7,57 %), 97 hồ sơ CĐ (0,28 %; công nghệ kỹ thuật: 2079 hồ sơ ĐH (5,98 %), 1820 hồ sơ CĐ (5,24 %). Lĩnh vực khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên chỉ có 1424 hồ sơ ĐH (4,10 %) và 156 hồ sơ CĐ (0,45 %)…
Đợt bàn giao hồ sơ vừa qua, bên cạnh lượng hồ sơ dồn nhiều vào các trường ĐH tốp giữa và trường địa phương, thì tính theo ngành nghề, Kế toán, Tài chính ngân hàng, Kinh tế, Quản trị kinh doanh vẫn là những ngành chiếm lượng hồ sơ đông đảo nhất.
Theo thông thống kê chưa đầy đủ từ trường ĐH Tài chính - marketing, trong tổng số 32.700 hồ sơ nhận được năm nay, ngành quản trị kinh doanh có nhiều hồ sơ nhất, kế tiếp là các ngành tài chính ngân hàng, marketing, quản trị khách sạn... Trường ĐH Thương mại, dẫn đầu về lượng hồ sơ vẫn là ngành Tài chính - Ngân hàng, Kế toán. ĐH Kinh tế quốc dân, thường các ngành Kế toán, Tài chính ngân hàng, Kinh tế, Quản trị kinh doanh vẫn chiếm tỷ lệ cao...
Việc giảm hồ sơ ĐKDT là một tín hiệu vui cho thấy hiệu quả của công tác tuyên truyền về phân luồng sau THPT, hướng nghiệp cũng như ý thức định hướng nghề nghiệp của học sinh, phụ huynh. Bên cạnh đó, việc Bộ GD&ĐT giao quyền tự chủ cho các trường xét tuyển nhiều đợt, kéo dài thời gian xét tuyển tạo thuận lợi cho thí sinh chỉ cần ĐKDT vào một trường phù hợp với năng lực của mình, đạt điểm sàn quy định là có cơ hội xét tuyển nguyện vọng vào các trường khác cùng khối thi, trong vùng tuyển, phù hợp quy định của từng trường.
Tuy nhiên, bên cạnh tín hiệu vui này, việc tập trung lượng lớn hồ sơ vào các ngành Tài chính, Ngân hàng, Kinh tế, Quản trị Kinh doanh vẫn là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ. Về hiện tượng này, ông Phan Đình Lai - TP GDCN, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho rằng, thông tin đến với phụ huynh và học sinh vẫn chưa đầy đủ, toàn diện; các em đang thiên về chọn trường dễ trúng tuyển hơn là chọn nghề có cơ sở khoa học. Điều đó đòi hỏi các trường THPT, các đoàn thể xã hội, các phương tiện truyền thông phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho học sinh với nội dung sâu sát, hình thức phù hợp hơn.
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại