Theo đó, Ban chỉ đạo tuyển sinh Bộ GD-ĐT, hội đồng tuyển sinh các trường ĐH-CĐ, thanh tra tuyển sinh và thanh tra giáo dục các cấp có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh tiêu cực trong kỳ thi.
Chương V quy chế tuyển sinh được đổi tên thành xử lý thông tin phản ánh về tiêu cực trong kỳ thi và chế độ báo cáo, lưu trữ. Quy chế khuyến khích thí sinh, những người tham gia công tác tuyển sinh, quần chúng nhân dân phát hiện và tố giác những hành vi vi phạm quy chế tuyển sinh. Người phát hiện tiêu cực cần kịp thời báo cáo và gửi bằng chứng đến đơn vị có chức năng tiếp nhận. Các bằng chứng vi phạm sau khi được xác minh tính xác thực sẽ là cơ sở để xử lý đối tượng vi phạm. Đơn vị tiếp nhận tố cáo tiêu cực phải có trách nhiệm bảo mật thông tin và danh tính người cung cấp thông tin; triển khai kịp thời biện pháp ngăn chặn tiêu cực, đồng thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý và công bố kết quả xử lý những cá nhân, tổ chức sai phạm…
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, mục đích của việc ban hành thông tư là để thí sinh có thể giám sát lại giám thị cũng như những người làm công tác thi. Lâu nay chúng ta chỉ mới thực hiện giám sát một chiều, tức là giám thị giám sát thí sinh, bây giờ ngược lại, thí sinh cũng có thể giám sát giám thị. Đó là cách để tổ chức một kỳ thi khách quan, minh bạch. Mặt khác, thông tư này cũng nhằm nêu rõ các địa chỉ để thí sinh, quần chúng nhân dân có thể tố cáo gian lận thi cử.
Nguồn Báo SGGP Online