5 vệ tinh nhỏ sẽ cùng được phóng lên vũ trụ. Vệ tinh F-1 nằm ở vị trí số 2 từ bên phải qua. Ảnh: FPT.
Phòng nghiên cứu không gian FSpace, Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT - ĐH FPT, vệ tinh F-1 đã vượt qua kỳ đánh giá an toàn bay, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và được chính thức chấp nhận tham gia chương trình phóng vệ tinh nhỏ do JAXA và NASA phối hợp tổ chức.
Hiện F-1 đã được đưa đến Trung tâm vũ trụ Tsukuba, Nhật Bản để tập kết cùng với 4 vệ tinh nhỏ khác. Nhân viên kỹ thuật chuẩn bị đặt chúng lên thiết bị phóng vệ tinh nhỏ.
Sau đó, tất cả 5 vệ tinh sẽ được vận chuyển đến Trung tâm vũ trụ Tanegashima, đảo Tanegashima ở phía nam Nhật Bản. Tại đây người ta lắp chúng lên tàu vận tải và cuối cùng đặt lên trên tên lửa đẩy. Theo kế hoạch, thời điểm phóng tên lửa bắt đầu lúc 11h18 sáng (giờ Nhật Bản) hay 9h18 sáng (giờ Hà Nội) ngày 21-7-2012.
Vệ tinh nhỏ F1 do tập đoàn FPT sản xuất. Ảnh: FPT.
Hôm 25-6, đài truyền hình NHK General TV, Nhật Bản phát sóng một phóng sự ngắn về chương trình phóng vệ tinh nhỏ tới Trạm Không gian Quốc tế sắp tới. Đây có lẽ là những thước phim cuối cùng của F-1 trước khi nó được lắp ghép lên tên lửa đẩy và phóng vào quỹ đạo
Ông Vũ Trọng Thư, Trưởng phòng FSpace thuộc Đại học FPT, cho biết: “Bên cạnh việc từng bước làm chủ công nghệ vũ trụ để hướng tới những ứng dụng trong thực tế, nhóm FSpace mong muốn đem lại niềm hy vọng vào tương lai và truyền tải thông điệp của tuổi trẻ Việt Nam: Không gian vũ trụ không còn quá xa xôi, chúng ta có thể làm được những điều tưởng như không thể nếu như có quyết tâm!".
Vệ tinh nhỏ F-1 có kích thước 10x10x10 cm và nặng 1 kg. Nhóm FSpace bắt đầu nghiên cứu và chế tạo nó từ cuối năm 2008, với mục tiêu là phải "sống" được trong không gian và phát tín hiệu về trạm điều khiển trái đất, chụp được ảnh độ phân giải thấp (640x480) của trái đất và tốc độ truyền dữ liệu từ vệ tinh đạt 1.200 bit/giây.
Trên thế giới, xu hướng chế tạo vệ tinh nhỏ (dưới 50kg) đang phát triển rất mạnh trong 10 năm gần đây. Ưu điểm của loại vệ tinh siêu nhỏ là thời gian chế tạo ngắn, chi phí thấp và càng phát huy năng lực khi sử dụng cả một chùm vệ tinh. Tuy nhiên, với Việt Nam đây vẫn là lĩnh vực rất mới. Do đó nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, nếu thành công, FPT sẽ trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên trong nước chế tạo thành công vệ tinh nhỏ, góp phần vào sự phát triển của ngành khoa học và công nghiệp vũ trụ Việt Nam.
Nguồn Giaoduc online