Phát hiện loài ruồi nhỏ nhất thế giới ký sinh trên kiến

Các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện được một loài ruồi mới siêu nhỏ tại Thái-lan. Với kích thước chiều dài chỉ khoảng 0,4mm, các nhà khoa học tin rằng loài ruồi có tên là Euryplatea nanaknihali là những con ruồi có kích thước nhỏ nhất thế giới.

Với kích thước này, những con ruồi thuộc loài Euryplatea nanaknihali chỉ nhỏ bằng khoảng 1/15 lần so với những con ruồi nhà thông thường và chỉ to bằng khoảng 1/5 so với loài ruồi giấm. Và mặc dù những con ruồi này nhỏ tới mức khó mà có thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng nó có đầy đủ cánh, mắt và một hệ thống các cơ quan hoàn chỉnh.

Loài ruồi mới được phát hiện này thuộc một họ ruồi có tên là Phoridae. Và đây là lần đầu tiên, một loài ruồi thuộc họ này được phát hiện ở châu Á. Trước đây, người ta thường chỉ phát hiện ra chúng ở châu Phi.

Các con ruồi thuộc họ Phoridae thường đẻ trứng bên trong cơ thể các con kiến. Sau đó, ấu trùng ruồi dùng các mô thịt trong đầu kiến làm thức ăn, thậm chí chúng còn ăn tới mức làm rụng đầu con kiến. Tuy nhiên, nhờ đặc tính này, một số loài ruồi họ Phoridae đang được các nhà khoa học lợi dụng để kiểm soát sự lan tràn của các loài kiến lửa ở miền nam nước Mỹ.

Ông Brian Brown, quản lý gian Côn trùng học thuộc Viện bảo tàng Lịch sử tự nhiên Los Angeles và cũng là người công bố về sự phát hiện loài côn trùng mới này cho biết hiện các nhà khoa học mới chỉ phỏng đoán về thói quen sinh sống của loài ruồi mới này. Tuy nhiên phỏng đoán này có độ xác thực rất cao bởi họ hàng gần nhất của nó, loài Euryplatea eidmanni sinh sống tại Guinea Xích đạo, vốn rất nổi tiếng về việc sống ký sinh trên các con kiến.

Ông nói: 'Người ta thường cho rằng những con kiến nhỏ thường không bị tấn công bởi những con ruồi có kích thước lớn sẽ không thể tồn tại và phát triển trong những đầu kiến tương đối nhỏ được. Tuy nhiên, loài ruồi mới được phát hiện đã cho thấy rằng ngay cả những con kiến nhỏ nhất cũng không thể thoát khỏi sự đeo bám của các loài ký sinh'.

Nguồn Báo Nhân Dân