1. Hoa Titan Arum (Amorphophallus titanium)
Không chỉ là một trong những loài hoa lớn nhất thế giới, hoa Titan Arum còn được mệnh danh là bông hoa thối nhất thế giới hay còn gọi là "hoa xác chết” bởi mùi hương đặc trưng mang mùi thịt thối khi hoa nở.
Tuy nhiên hiếm khi những bông hoa Titan Arum nở và trong giai đoạn nở thì mùi hương khó chịu của hoa có thể lưu lại trong không khí nhiều ngày.
Thực chất Titan Arum không chỉ là một bông hoa duy nhất mà nó có hàng ngàn bông hoa nhỏ xíu nằm phía dưới đài hoa. Do đó, các nhà thực vật học gọi nó là một cụm hoa. Cụm hoa Titan Arum được công nhận là cụm hoa lớn nhất thế giới, với độ cao lên tới 3m.
Xuất phát từ những khu rừng nhiệt đới ở Trung tâm Sumatra, phía tây Indonesia, hoa Titan Arum có tên khoa học là Amorphophallus titanium (hoa dương vật méo mó khổng lồ). Mùi hương của hoa Titan Arum có tác dụng thu hút côn trùng thụ phấn như bọ cánh cứng và ruồi thịt.
2. Hoa Lily xác chết (Rafflesia arnoldii)
Rafflesia arnoldii là một trong những loài hoa mang mùi hương xác chết. Nó có nguồn gốc từ các khu rừng nhiệt đới trên đảo Sumatra và Borneo tại Indonesia.
Rafflesia là loài hoa kí sinh, hút nước và các chất dinh dưỡng trên thân cây nho Tetrastigma. Nó không có lá, thân, rễ hay chất diệp lục. Do đó, hiếm khi con người nhìn thấy hoa Lily xác chết trong tự nhiên.
Khi sẵn sàng để sinh sản, bông hoa sẽ tạo ra một khối giống như chiếc bắp cải nở. Khoảng một năm sau, mỗi cánh sẽ mở ra nhưng chỉ duy trì được trong vài ngày. Sau đó, hoa Rafflesia sẽ phát triển như một trái cây hình tròn, chứa hàng ngàn hạt giống bên trong và được các loài động vật phát tán khắp khu rừng.
3. Bắp cải chồn hôi phương Tây (Lysichiton americanus)
Mặc dù mang hình dáng không quá xấu nhưng Lysichiton americanus được gọi là bắp cải chồn hôi do nó có nguồn gốc từ các đầm lầy thuộc khu vực tây bắc Thái Bình Dương, với hương thơm khiến loài ruồi và bọ cánh cứng không thể cưỡng lại được.
So với loài hoa xác chết thì bắp cải chồn hôi có kích thước nhỏ hơn rất nhiều. Ngoài ra, chúng còn có đặc điểm lạ là khi hoa nở, cuống hoa thường tăng nhiệt, giúp làm tan lớp tuyết phía dưới nhằm tạo điều kiện cho những loài côn trùng thụ phấn tiến lại gần bông hoa hơn.
Đặc biệt, sau kỳ nghỉ đông, loài gấu thường hay ăn hoa bắp cải chồn hôi bởi chúng có tác dụng như thuốc nhuận tràng.
4. Hoa sao biển thối (Stapelia gigantea)
Hoa Stapelia gigantea còn được gọi dưới cái tên là hoa thối, hoa cóc, hoa Zulu khổng lồ. Chúng có nguồn gốc tại Nam Phi và là loài cây được trồng để tiêu diệt loài ruồi.
Bề ngoài của hoa sao biển thối khá giống hoa xương rồng. Cánh hoa nở thành 5 cánh giống một ngôi sao. Hoa mang màu da hồng nhạt được bao phủ bởi các sợi lông nhỏ màu trắng có tác dụng thu hút ruồi và giòi tới thụ phấn.
5. Rễ kí sinh trùng thối (Hydnora Africana)
Thực vật kí sinh Hydnora Africana có nguồn gốc từ các sa mạc khô cằn ở miền Nam châu Phi, sinh sôi phát triển hoàn toàn dưới lòng đất.
Những kí sinh trùng này sống nhờ vào phần rễ của cây Euphorbia. Những bông hoa màu đỏ và màu hồng nhạt nhú lên từ cát. Những con bọ cánh cứng màu đen luôn bị thu hút bởi mùi hôi thối đặc trưng của loài hoa này.
6. Hoa ngựa thối (Helicodiceros muscivorus)
Có nguồn gốc từ phía tây bắc khu vực Địa Trung Hải, hoa ngựa thối hiếm có với những cánh hoa vằn vệt giống loài ngựa nhưng lại mang mùi hôi của thịt thối rữa, sản sinh ra lượng nhiệt giúp dụ dỗ những con ruồi tiến vào trong bông hoa.
Vào một ngày nắng ấm, những bông hoa cái sẽ mở ra và giải phóng mùi hôi. Những con ruồi sẽ nhanh chóng bị thu hút, lôi kéo vào sâu bên trong rồi bị mắc kẹt lại trong đó mất cả ngày.
7. Bắp cải hôi phương Đông (Symplocarpus foetidus)
Giống như bắp cải chồn hôi ở phương Tây, bắp cải hôi phương Đông có tập quán sinh sống và phát triển trong các vùng đầm lầy.
Vào mùa xuân, hoa bắp cải hôi phương Đông thường nở hoa và những bông hoa này dài tới 10cm, cao 15cm, phần mo hoa chuyển sang màu tím sẫm. Sau khi hoa nở, một vài lá hoa màu xanh sẽ xuất hiện trên mặt đất. Những lá hoa này sẽ tiết ra mùi hôi thối đặc trưng.
Nguồn VTV Đà Nẵng