Cách chọn nồi hợp với nhu cầu

Không ít "chủ bếp" thường chọn nồi bằng cách... "mua đại" mà bỏ qua nhu cầu nấu, chế biến món ăn thực sự của mình.

Mỗi loại nồi có một chức năng khác nhau và đôi khi không thể dùng lẫn, như việc dùng nồi nấu nước để xào rán chẳng hạn... Có một số cách để bạn chọn cho gia đình mình những chiếc nồi phù hợp với nhu cầu:

Tiết kiệm

Để tiết kiệm điện và thời gian nấu nướng, bạn có thể dùng nồi áp suất. Loại nồi này được ưa chuộng, nhất là khi giá gas và điện đang lên cao. Nồi áp suất chất liệu nhôm và nồi inox cao cấp là hai loại chính trên thị trường hiện nay.

Có cả loại nồi dùng điện và loại nồi dùng gas để nấu. Có rất nhiều dung tích cho người dùng lựa chọn, ngoài kiểu dáng truyền thống, một vài nồi áp suất kiểu dáng mới cũng vừa xuất hiện thị trường.

Tuy nhiên, nồi áp suất thường được dùng để nấu các món hầm và những món đòi hỏi thời gian kéo dài.

Ngoài nồi áp suất, nồi ủ cũng giúp hầm mềm thức ăn mà tốn ít gas. Nồi có hệ thống khóa nắp kín, có lớp cách nhiệt chân không ở thành và nắp nồi nên giữ hơi nóng không thoát ra ngoài rất tốt. Thức ăn chỉ cần nấu gần chín rồi cho vào nồi ủ là sẽ tự chín nhừ nhờ hơi nóng từ chính thức ăn đã được nấu trước. Người dùng sẽ tiết kiệm đáng kể lượng gas dùng nấu. Chất liệu chính của nồi ủ là thép không gỉ hoặc inox. Trong quá trình dùng nồi, lớp cách nhiệt ở thành và nắp nồi cần được bảo quản tốt, đặc biệt không được dùng nồi bên ngoài để nấu.

Một số cách tiết kiệm gas, điện:

- Sử dụng cỡ nồi phù hợp với lượng thức ăn (tránh thức ăn quá ít so với nồi).

- Nên sử dụng nồi kim loại với đáy và thành nồi không quá dày.

- Áp dụng các công đoạn ngâm, vò, băm nhỏ khi nấu để hạn chế việc đun nấu quá lâu.

 Chức năng

Nếu thường xuyên phải rán, chiên, bạn nên chọn một chiếc chảo chống dính đế hơi dày. Chảo đế mỏng sẽ khiến thức ăn nhanh bị cháy bén. Tuy nhiên, chảo đế mỏng lại rất phù hợp khi bạn cần rang khô một thứ gì đó như lạc, ngô...

Nếu gia đình bạn thích đồ nướng thì nồi nướng cũng là gợi ý hay. Loại nồi này có thể đồng thời nướng và hấp thực phẩm nên làm thực phẩm nhanh chín và chín đều. Nồi nướng thủy tinh được cho là lựa chọn tối ưu nhờ đặc tính chịu nhiệt tốt. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần chú ý chọn nồi có độ trong suốt, không có bọt khí, lớp đúc đều đặn, không có vết rạn, dùng tay gõ vào nghe tiếng vang thanh, sờ vào bề mặt cảm nhận láng mịn hoàn toàn.

Nồi ủ, nồi cơm điện, nồi hấp cũng là những loại nồi chức năng mà bạn có thể lựa chọn. Tuy nhiên, nếu không có nhu cầu nhiều về nồi hấp, bạn có thể tận dụng giá hấp của nồi cơm điện để tiết kiệm gas.

Nồi inox

 Chất liệu

I-nox (thép không gỉ)

Ưu điểm: Bền, dễ làm sạch, hình thức bắt mắt. Có thể sử dụng với máy rửa chén bát chuyên dụng (dishwasher).

Nhược điểm: Dẫn nhiệt kém.

Đồng

Ưu điểm: Đun nóng và làm nguội nhanh chóng.

Nhược điểm: Giá đắt, nặng và cần sự bảo quản cẩn thận để duy trì vẻ sáng bóng và sạch sẽ.

Nhôm

Ưu điểm: Đun nóng và làm nguội nhanh, chất liệu nhẹ và giá mềm.

Nhược điểm: Phản ứng với thực phẩm có nồng bộ a-xít cao (cà chua), sulfur cao (trứng, tỏi), alkaline cao (bắp cải) làm thực phẩm biến màu. Bên cạnh đó, nồi chảo nhôm dùng lâu dễ bị móp méo, sần sùi, bị oxi hóa trong không khí.

Gang

Ưu điểm: Chất liệu dày dặn, cầm chắc tay. Rất phù hợp khi làm dụng cụ nướng, chiên, hầm. Dụng cụ nấu bếp bằng gang giá bình dân, phù hợp với đông đảo người tiêu dùng.

Nhược điểm: Đun nóng và làm nguội đều lâu, dễ bị gỉ sét.

Gang tráng men

Ưu điểm: Giữ nhiệt lâu, chất liệu dày dặn.

Nhược điểm: Giá đắt, nặng.

 Lưu ý khi chọn mua:

Dù bạn chọn chất liệu nào cũng nên cân nhắc thêm những điểm sau:

- Nồi hoặc chảo cần có chất liệu và hình dạng vừa vặn, dễ thao tác. Nồi chảo dày dặn sẽ khó bị cong vênh hơn.

- Những sản phẩm nặng nên có tay cầm 2 bên; nếu là chảo với một tay cầm dài thì nên có thêm một phần tay cầm phụ phía đối diện để thuận tiện khi sử dụng.

- Tay cầm bằng nhựa và gỗ không phù hợp nếu bạn sử dụng trong lò vi sóng. Thay vào đó, phần tay cầm nên bằng kim loại.

Nguồn Eva.vn