Các siêu thị, cửa hàng thực phẩm được thiết kế để khuyến khích khách hàng mua nhiều hơn mà vẫn làm cho họ nghĩ rằng họ mua với giá tốt nhất. Biết cách mua sắm ở siêu thị sẽ giúp bạn tránh được những thủ thuật marketing và tiết kiệm được chi phí.
Dưới đây là những sai lầm thường xảy ra khi đi mua đồ ở siêu thị:
1. Luôn mua đồ tươi
Bạn luôn nhất quyết mua rau và trái cây tươi thay vì sản phẩm ướp lạnh vì bạn cho rằng đồ tươi sẽ tốt hơn? Có thể bạn đang lãng phí thời gian và cả tiền bạc. Rau và trái cây đông lanh có cùng một lượng dinh dưỡng so với đồ tươi vì chúng được đông lạnh khi vẫn còn tươi. Điều tuyệt vời về rau và trái cây đông lạnh là bạn có thể tiết kiệm tiền nếu mua với số lượng lớn. Và bạn cũng có thể tiết kiệm thời gian đi mua sắm vì những gì bạn cần đều đã ở trong tủ lạnh.
2. Đi mua sắm với cái bụng đói meo
Mọi thứ đều trông hấp dẫn khi bạn đi mua thực phẩm với cái bụng đói meo. Bạn nên đi mua sắm khi đã ăn no vì vậy bạn sẽ tránh được việc mua nhiều hơn những gì mình cần, và bạn cũng không nên vừa ăn vặt vừa đi mua đồ. Vừa thưởng thức một gói bim bim, hay một gói bánh sẽ làm cho bạn có xu hướng mua thêm nhiều đồ ăn vặt hơn.
Đừng đi mua hàng với cái bụng đói meo (ảnh minh họa)
3. Đi đến khu vực làm bánh trước
Các cửa hàng thực phẩm hay siêu thị thường thiết kế khu vực làm bánh hay sản xuất đồ ăn ở phía trước. Đây là những khu vực thường có các sản phẩm có vẻ như là được giảm giá và được bố trí rất dễ để khách hàng có thể nhặt lên vài món. Vì vậy bạn nên mua sắm ở các khu vực khác trước khi đến khu vực làm bánh hay sản xuất đồ ăn, bạn sẽ không bị choáng ngợp bởi các loại bánh nhìn rất ngon mắt lại đang có vẻ như được giảm giá.
Mua sắm không theo danh sách sẽ khiến bạn dễ bị hấp dẫn
bởi những món đồ khuyến mãi. (ảnh minh họa)
4. Mua đồ ở khu vực lối ra
Những đồ được đặt thuận tiện ở lối ra thường được thiết kế để thu hút những khách hàng dễ tính. Các sản phẩm đặt ở đây thường là các gói bim bim, đồ uống đóng chai, văn phòng phẩm và các loại tiện ích khác. Những sản phẩm ở đây thường có giá cao hơn, và bạn sẽ tìm thấy các sản phẩm với giá rẻ hơn nếu đi vào khu vực dành riêng cho các loại sản phẩm này. Đừng bị hấp dẫn bởi những mặt hàng được bày bán ở khu vực lối ra, nó sẽ khiến chi phí mua đồ của bạn tăng lên rất nhiều với những sản phẩm không thật sự cần thiết.
5. Mua quá nhiều đồ khuyến mãi
Cho dù bạn được phiếu quà tặng cho một sản phẩm mới hay bạn quan tâm đến chương trình ‘mua một, tặng một’, thì hãy chắc chắn rằng bạn sẽ chỉ mua những sản phẩm mà bạn thực sự cần dùng. Hãy nhớ kiểm tra hạn sử dụng nếu bạn mua đồ ăn theo lốc và hãy tính lại giá của mỗi sản phẩm riêng lẻ. Mua nhiều sản phẩm đã hết hạn sử dụng hay bạn không bao giờ dùng sẽ làm lãng phí tiền bạc của bạn. Hãy cân nhắc xem bạn sẽ tiết kiệm được bao nhiêu nếu mua nhiều hơn và xem bạn có đủ chỗ trong nhà để chứa những món đồ đó không.
6. Không lập danh sách mua sắm
Rõ ràng là bạn dự định đi mua sắm, nhưng thử hỏi liệu có bao nhiêu người lập danh sách những món đồ cần mua khi đi mua sắm? Mua sắm không theo danh sách sẽ khiến bạn dễ mua những món đồ không thực sự cần thiết hơn và dễ bị hấp dẫn bởi những món đồ khuyến mãi. Đi từ quầy hàng này đến quầy hàng khác và chọn mua bất cứ những gì bạn thấy thích sẽ rất khó để chuẩn bị các bữa ăn mà không vượt quá mức chi tiêu đặt ra. Hãy lên danh sách các đồ cần mua (việc này chỉ mất 5-10 phút) và chỉ mua những đồ mà gia đình bạn thực sự cần.
7. Quá hứng thú với những phiếu quà tặng, giảm giá
Có thể các phiếu quà tặng, giảm giá sẽ giúp bạn tiết kiệm được phần nào chi phí tiêu dùng. Tuy nhiên, có thể các phiếu giảm giá đó lại dành cho những sản phẩm mà gia đình bạn không thật sự cần thiết, bạn sẽ phải bỏ thêm tiền để mua những món đồ này. Vì vậy, hãy chỉ dùng những phiếu giảm giá đối với các món đồ đáp ứng nhu cầu thực sự của bản thân và gia đình.
Theo Eva