Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cần nắm bắt các nguồn tăng trưởng mới

Sáng 23/5, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới đã tổ chức buổi họp báo công bố Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương năm 2012. Với chủ đề “Nắm bắt các nguồn tăng trưởng mới”, Báo cáo chỉ ra rằng, tăng trưởng trong khu vực đang phát triển Đông Á - Thái Bình Dương vẫn còn khá mạnh mẽ, mặc dù tốc độ đã chậm lại kể từ sau đỉnh điểm hậu khủng hoảng tài chính.

Theo Báo cáo, với xu hướng của suy thoái toàn cầu dự kiến tiếp tục diễn ra, khu vực này cần phải giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu, đồng thời cần tìm kiếm các nguồn tăng trưởng mới. Báo cáo cũng cho thấy, khu vực đang phát triển Đông Á - Thái Bình Dương đạt tỷ lệ tăng trưởng 8,2% trong năm 2011, đánh dấu sự suy giảm mạnh từ mức tăng trưởng gần 10% ghi nhận trong năm 2010. Tuy vậy, mức tăng trưởng này của khu vực vẫn còn khá ấn tượng xét trên quy mô toàn cầu. Năm 2011, tỷ lệ tăng trưởng của khu vực này cao hơn khoảng 2% so với tỷ lệ tăng trưởng trung bình ở các nước đang phát triển trên toàn thế giới, và trình trạng nghèo đói đã tiếp tục giảm.

Báo cáo cho rằng, hiện tượng tăng trưởng chậm lại trong năm 2011 chủ yếu bắt nguồn từ mức tăng thấp hơn dự kiến của kim ngạch xuất khẩu trong khu vực sản xuất cũng như sự gián đoạn nguồn cung trong bối cảnh của trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản và lũ lụt nghiêm trọng ở Thái Lan. Nhu cầu và đầu tư trong nước nhìn chung khá mạnh mẽ, cộng thêm hỗ trợ từ việc nới lỏng chính sách tiền tệ ở một số quốc gia. Trong năm 2012, Báo cáo dự đoán rằng tăng trưởng hàng năm sẽ ở mức trung bình trên 7,6% cùng với đà phát triển chậm lại của kinh tế Trung Quốc làm giảm tỷ lệ tăng trưởng của cả khu vực. Ngoại trừ Trung Quốc, tăng trưởng sẽ tăng lên mức 5,2% khi Thái Lan trở lại mức tăng trưởng bình thường trong sản xuất. Sau sự bùng nổ trong năm 2011, các nước xuất khẩu hàng hóa sẽ trở nên dễ bị ảnh hưởng hơn trước hiện tượng suy giảm nhanh hơn dự kiến của Trung Quốc, hiện tượng này có thể gây ra sự sụt giảm không lường trước được trong giá cả hàng hóa.

Nhận xét về tình hình kinh tế của Việt Nam, ông Deepak Mishra, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu đi vào ổn định. Tuy vậy, việc thắt chặt đáng kể các chính sách kinh tế vĩ mô, cộng với thực trạng môi trường kinh tế toàn cầu đã gây những ảnh hưởng nhất định trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng GDP đã giảm từ 6,8% năm 2010 xuống còn 5,9% năm 2011 và tiếp tục xuống đến 4% trong quý I năm 2012. Cũng theo ông Deepak Mishra, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ vào khoảng 5,7% và lạm phát cuối năm dự báo giảm xuống còn dưới 10% trong năm 2012. Như một động thái để vực dậy nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã giảm 200 điểm của các tỷ lệ lãi suất chính sách trong tháng 3 và tháng 4 (từ 15% xuống còn 13%) và công bố tiếp tục giảm ít nhất 100 điểm sàn trong mỗi qúy của năm 2012. Nhu cầu giảm nhiệt và tăng trưởng tín dụng chậm sẽ kiềm chế tác động của các đợt cắt giảm lãi suất, đồng thời sẽ giúp giảm bớt chi phí tài chính của khu vực tư nhân. Ông Deepak Mishra cũng chỉ ra những thách thức ngắn hạn về mặt chính sách của Việt Nam là duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và khôi phục lại niềm tin cho các nhà đầu tư, đồng thời phải giải quyết các vấn đề về cải cách cơ cấu dài hạn. Chính phủ đang đẩy mạnh nỗ lực để tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, quản lý đầu tư công và lĩnh vực tài chính. Một số quy định quan trọng, bao gồm những quy định liên quan đến quy hoạch đầu tư trung hạn, quản lý và giám sát đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước và theo dõi hiệu suất của các doanh nghiệp nhà nước có thể sẽ được ban hành trong năm 2012. Việt Nam cũng cần phải xây dựng được một môi trường kinh tế vĩ mô bền vững hơn, đồng thời nâng hiệu qủa và năng suất cao hơn để thúc đẩy tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Theo bà Pamela Cox, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, số lượng người dân sống dưới 2 USD một ngày dự kiến sẽ giảm trong năm 2012 là 24 triệu người. Nhìn chung, số người sống trong nghèo đói đã được giảm đi một nửa trong thập kỷ qua ở Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Mặc dù vậy, hiện vẫn có khoảng một phần ba dân số trong khu vực này bao gồm khoảng một nửa tỷ đàn ông, phụ nữ và trẻ em vẫn sống trong nghèo đói. Trong một môi trường toàn cầu không chắc chắn, nhiều việc cần phải được thực hiện để tạo ra những nguồn tăng trưởng mới, cung cấp cơ hội cho tất cả mọi người.

Theo Báo cáo, Liên minh châu Âu cùng với Mỹ và Nhật Bản chiếm hơn 40% trong kim ngạch xuất khẩu của Khu vực này, và các Ngân hàng châu Âu cung cấp một phần ba khối lượng tài chính phục vụ cho hoạt động thương mại và hoạt động của các dự án ở châu Á. Trong khi các nhu cầu bên ngoài có nhiều khả năng vẫn còn ít, các nước trong khu vực đang phát triển Đông Á - Thái Bình Dương cần phụ thuộc ít hơn vào xuất khẩu và hướng tới đáp ứng nhiều hơn các nhu cầu trong nước nhằm duy trì tăng trưởng cao. Hiện tại, nhiều nước đang hướng theo xu thế này nhưng cũng cần lưu ý thêm đến vấn đề tái cân bằng.

Nhận xét về vấn đề trên, ông Bert Hofman, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cho rằng, hầu hết các nền kinh tế Đông Á đều đang ở vị thế dễ thích nghi với những biến động; nhu cầu trong nước đã chứng minh có khả năng chống chịu trước những cú sốc. Nhiều quốc gia hiện có tài khoản thặng dư và đang duy trì mức dự trữ quốc tế cao. Các hệ thống ngân hàng nói chung hiện đang giữ mức vốn khá ổn định. Tuy nhiên, rủi ro bắt nguồn từ châu Âu có khả năng ảnh hưởng đến khu vực này thông qua các liên kết trong thương mại và tài chính.

Ông Bryce Quillin, Chuyên gia Kinh tế của Ngân hàng Thế giới đồng thời là tác giả chính của Báo cáo nhận xét thêm, một số quốc gia sẽ cần phải kích thích tiêu dùng hộ gia đình. Tại một số nước khác, tăng cường đầu tư, đặc biệt đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cho thấy tiềm năng duy trì tăng trưởng với điều kiện điều này không làm trầm trọng thêm các áp lực từ nhu cầu trong nước. Với một khu vực tài chính đang thay đổi do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính, cần xây dựng những cách thức mới để tài trợ cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở các cấp độ cao hơn. Chính phủ sẽ cần phải tập trung vào đẩy nhanh công tác chuẩn bị cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Nhìn chung, trong trung hạn, đầu tư sẽ nâng cao năng suất và thúc đẩy tăng trưởng thông qua các hoạt động tạo ra giá trị gia tăng cao hơn và các hoạt động mang tính sáng tạo. Mặc dù nhiều thành tựu lớn đã được gặt hái trong nâng cao năng suất lao động trên toàn khu vực kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, những thành tựu to lớn hơn nữa trong lĩnh vực này vẫn còn có khả năng đạt được. Báo cáo gợi ý rằng các chính sách hỗ trợ chuyển dịch lao động giữa các quốc gia cũng có thể được cải tiến. Các chính sách cải tiến liên quan đến vấn đề di cư trong khu vực có thể nâng cao lợi ích từ hội nhập kinh tế khu vực và cho phép các quốc gia với dân số có độ tuổi lao động giảm dần có thể đáp ứng nhu cầu lao động. 

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam