Ninh Hải: Khống chế dịch bệnh, ổn định vùng nuôi tôm

(NTO) Hiện nay, huyện Ninh Hải có trên 500 ha ao đìa nuôi tôm, trong đó có 450 ha nuôi tôm thẻ chân trắng và trên 90 ha nuôi tôm sú, tập trung tại các xã Tân Hải, Hộ Hải, Phương Hải và thị trấn Khánh Hải. Sau nhiều năm suy giảm do dịch bệnh và môi trường nuôi bị ô nhiễm, nghề nuôi tôm ở đây đang trên đà vực dậy, thì mới đây sau những đợt nắng nóng, rồi mưa trái mùa đã làm phát sinh dịch bệnh trên tôm.

Tại xã Hộ Hải, bước vào vụ nuôi tôm mới, người dân đã thả nuôi 60 ha trong tổng số diện tích dự kiến sẽ thả hết trong tháng 5 này là 120 ha. Tuy nhiên, việc thả nuôi đang bị đình lại do dịch bệnh, còn những hộ đã thả nuôi thì đang rất lo lắng bởi bệnh trên tôm lại đang bắt đầu rộ lên tại một số vùng nuôi.

Gần 5 sào ao nuôi tôm của hộ ông Lê Văn Ngày (Hộ Hải) bị bệnh đốm trắng từ sau đợt mưa trái mùa.

Ông Lê Văn Ngày, thôn Gò Gũ, xã Hộ Hải đang lo lắng, bởi 3 ngày nay, lứa tôm hơn 10 vạn con thả nuôi gần 1 tháng tuổi của gia đình đã bắt đầu bỏ ăn và có dấu hiệu bệnh. Dẫn chúng tôi ra ao nuôi rộng gần 5 sào, vớt những con tôm nhỏ đang nổi lờ đờ bên bờ, ông ngao ngán: “Đây là những con tôm bệnh, trên đầu xuất hiện nhiều đốm trắng và bên trong thân con tôm đã bị vỡ gan, tụy. Theo kinh nghiệm nuôi nhiều năm, thì bệnh này do vi rút nên không có cách nào để cứu chữa, đành phải bỏ và xử lý ao nuôi thật kỹ mới nuôi lại được”. Qua tính toán, chi phí giống, công, thuốc, thức ăn, tiền điện chạy máy sục khí... ước thiệt hại trong vụ này trên 10 triệu đồng. Đó là chưa kể công, thuốc xử lý ao nuôi và phải mất hơn 1 tháng sau mới có thể nuôi trở lại được.

Tương tự, tại hộ ông Nguyễn Thanh Tùng, ở thôn Hộ Diêm, xã Hộ Hải có 7 sào (3 ao) nuôi trên 5 vạn tôm sú cũng bị bệnh, phải “xử lý” gấp. Ông Tùng cho biết: “Tôi mua giống có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch đầy đủ, vào vụ thả nuôi theo đúng khuyến cáo của ngành Thủy sản, thực hiện đầy đủ các quy trình nuôi theo quy ước của tổ cộng đồng, vậy mà không hiểu sao tôm vẫn bệnh, bỏ ăn và chết hàng loạt”. Hiện ông đã báo cho chính quyền xã và ngành chức năng lấy mẩu bệnh nhưng vẫn chưa biết chính xác tôm bị bệnh gì. Ước thiệt hại của gia đình ông gần 30 triệu đồng.

Theo thống kê của UBND xã Hộ Hải thì từ tháng 4 đến nay, toàn xã đã có 12,5ha ao nuôi tôm bị bệnh. Trong đó có 8,5 ha thả nuôi trái vụ, còn 4 ha mới xuất hiện bệnh từ đầu tháng 5 đến nay. Đồng chí Võ Thái Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Hộ Hải cho biết: “Khó khăn nhất của địa phương hiện nay đó là việc vận động người dân xử lý nước ao nuôi bị nhiễm bệnh theo đúng quy trình để khi xả ra không ảnh hưởng tới môi trường xung quanh, bởi ý thức và điều kiện của người dân còn hạn chế. Mặt khác cần xác định đúng nguyên nhân gây bệnh để người dân có hướng phòng ngừa, xử lý để lâu dài ổn định vùng nuôi.

Tại xã Tân Hải, tình hình dịch bệnh trên tôm cũng đang trở nên “nóng”. Theo lãnh đạo UBND xã, tính từ đầu tháng 4 đến nay, toàn xã đã có 19 ha ao nuôi tôm bị bệnh, thiệt hại của người nuôi trên 2 tỷ đồng. Trong khi đó xã chỉ mới được hỗ trợ 5 thùng (225 kg) thuốc chlor-right, không đủ để xử lý hết diện tích bị bệnh.

Theo đồng chí Trần Hữu Nhân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Hải thì toàn huyện đã ghi nhận có 33 ha ao nuôi tôm bị bệnh, trong đó có 11,5 ha trong diện này là thả nuôi theo lịch thời vụ của ngành, còn phần lớn do người dân tự ý thả nuôi không theo khuyến cáo nên nguy cơ dịch bệnh cao hơn. Hiện UBND huyện đã hỗ trợ 1,3 tấn thuốc chlor-right xử lý môi trường nước thủy sản cho các địa phương. Chỉ những hộ thả nuôi tuân thủ theo đúng kế hoạch thời vụ, các quy trình nuôi theo tổ cộng đồng, có nguồn gốc kiểm định giống thì mới được hỗ trợ. Những trường hợp bị bệnh mới, huyện sẽ tiếp tục cử cán bộ theo dõi, tìm hiểu nguyên nhân có hướng hỗ trợ người dân xử lý dịch bệnh để khắc phục, ổn định sản xuất.

Hy vọng rằng, với sự quan tâm của chính quyền và ngành chức năng, dịch bệnh trên tôm ở huyện Ninh Hải sẽ được khống chế kịp thời, hiệu quả để không ảnh hưởng lớn và gây thiệt hại dây chuyền đến các diện tích thả nuôi hiện nay ở địa phương.