ASEAN hợp tác giảm gánh nặng về sức khỏe tâm thần

Nhằm thực hiện mục tiêu “Con người khỏe mạnh, ASEAN khỏe mạnh”, từ 23 đến 25/5, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị lần thứ nhất của Ban đặc trách ASEAN về sức khỏe tâm thần tại Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Hội nghị là cơ hội để các nước ASEAN thảo luận, thống nhất phương pháp, các hoạt động để triển khai kế hoạch của Ban đặc trách về sức khỏe tâm thần ASEAN (gồm các quốc gia Brunei, Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) giai đoạn 2011-2015 và cũng là cơ hội để các nước ASEAN cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, những bài học thực hành tốt trong hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần, góp phần tăng cường sự hợp tác trong khu vực, nâng cao hiệu quả thực hiện mục tiêu của ASEAN “Con người khỏe mạnh, ASEAN khỏe mạnh”.

 
Ảnh: VGP/Mai Chi

Tại Hội nghị, các đại đại biểu đã thảo luận về phương thức thực hiện kế hoạch hoạt động của ASEAN về sức khỏe tâm thần bao gồm 4 chiến lược: Phát triển vận động chính sách ASEAN về sức khỏe tâm thần; tạo thuận lợi cho lồng ghép sức khỏe tâm thần vào hệ thống chăm sóc sức khỏe và tăng cường xây dựng năng lực; tạo thuận lợi và tăng cường hệ thống thông tin dữ liệu sức khỏe tâm thần, quản lý kiến thức và nghiên cứu trong AMS; thiết lập mạng lưới ASEAN về sức khỏe tâm thần.

Đồng thời, trao đổi về những hợp tác tiềm năng trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, huy động nguồn lực về sức khỏe tâm thần và theo dõi, đánh giá về sức khỏe tâm thần giữa các nước ASEAN.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 150 triệu người bị trầm cảm, trên 125 triệu người bị ảnh hưởng do sử dụng rượu, trên 40 triệu người bị động kinh và 24 triệu người bị mất trí. Các rối loạn tâm thần, thần kinh và các rối loạn do sử dụng chất rất phổ biến trong tất cả các khu vực trên thế giới, ảnh hưởng đến mọi cộng đồng và mọi nhóm tuổi. Các rối loạn này chiếm đến 14% gánh nặng bệnh tật toàn cầu, trong đó 75% gánh nặng của các rối loạn này là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Đây là những con số đáng báo động cho thấy gánh nặng sức khỏe tâm thần đang đè nặng các quốc gia, song nhiều quốc gia lại chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực này và chỉ đầu tư dưới 2% ngân sách y tế cho lĩnh vực sức khỏe tâm thần.

Đối với các nước ASEAN, việc phòng, kiểm soát các rối loạn tâm thần là một nhiệm vụ chiến lược lâu dài, đòi hỏi có sự cam kết mạnh mẽ, quyết tâm cao của các quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới, cũng như sự quan tâm và ủng hộ hơn nữa của tất cả các chính phủ, các tổ chức trong nước, quốc tế.

Hiện nay, các nước thành viên ASEAN đã phối hợp triển khai đồng bộ nhiều hoạt động khác nhau trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần như ban hành luật về sức khỏe tâm thần và các chính sách; thiết lập và triển khai chương trình quốc gia về sức khỏe tâm thần, xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động 5 năm; Chương trình truyền thông, dự phòng các rối loạn tâm thần…

Nguồn www.chinhphu.vn