Thực phẩm hàng ngày phải đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, tức là phải cân đối đủ 4 nhóm chất theo tỉ lệ nhu cầu năng lượng hàng ngày: Nhóm bột đường chiếm 60%; chất đạm chiếm 15 - 20% (nên cân bằng 50% đạm động vật và 50% đạm thực vật); nhóm dầu mỡ chiếm 20 - 25% và nhóm chất xơ, vitamin, vi chất dinh dưỡng bao gồm các loại rau, củ, trái cây, tuy không tạo ra nhiều năng lượng nhưng lại là thành phần rất quan trọng trong sự sống còn.
Trong cấu tạo cơ thể con người cần rất nhiều loại chất khoáng, một số chất khoáng có hàm lượng tương đối lớn gọi là các yếu tố đại lượng, ví dụ như Calci, Natri, Kali, Phospho, Lưu huỳnh, Clor, Magnesium và một số chất khoáng có hàm lượng rất nhỏ gọi là các yếu tố vi lượng hay là vi chất dinh dưỡng. Cơ thể chỉ thu nhận chất khoáng từ thức ăn, nước uống. Chất khoáng nói chung là những chất kim loại hoặc không kim loại mà cơ thể rất cần để tạo ra các men (enzyme), nội tiết tố, cấu tạo thành phần cơ thể hoặc tham gia vào các phản ứng sinh hóa trong cơ thể, dẫn truyền thần kinh, hoạt động co cơ… Tuy số lượng cần có rất ít so với trọng lượng cơ thể nhưng nếu xảy ra hiện tượng thiếu hoặc thừa đều có thể gây ra những triệu chứng trầm trọng, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động thể chất và tinh thần, thậm chí là nguy hiểm và nếu không được bổ sung trong thời gian dài có thể dẫn đến tử vong. Cơ thể cần khoảng hơn 20 loại chất khoáng. Ví dụ như Calci và Phospho cần cho việc tạo xương; Natri, Kali cần cho việc cân bằng hoạt động tế bào, tạo sự co cơ và duy trì áp lực thẩm thấu của máu; sắt, Cobalt cần cho việc tạo hồng cầu, Fluor tạo men răng… trong yếu tố vi lượng thì 4 chất (sắt, kẽm, Silic, đồng) chiếm đến 99% khối lượng vi lượng, còn các chất khác chỉ có lượng rất ít.
Vitamin cũng được xếp vào nhóm vi chất dinh dưỡng, nhu cầu tuy rất nhỏ nhưng cũng tham gia vào hoạt động nêu trên. Thiếu vitamin C làm thể trạng mệt mỏi và nguy hại nhất là bệnh hoại huyết (Scorbut) làm chết người; thiếu vitamin A sẽ làm giảm hoạt động trí tuệ và bệnh quáng gà, khô mắt và mù; thiếu vitamin D gây bệnh còi xương; thiếu vitamin B1 gây bệnh tê phù; thiếu vitamin PP gây bệnh Pellagra làm lở loét da; thiếu vitamin B9 (acid folic) có thể gây dị dạng ống tủy sống và não bộ của thai nhi… Cơ thể chỉ có thể tổng hợp được một số vitamin của vitamin nhóm B và một ít vitamin D3, còn các vitamin khác cũng phải được thu nhận từ thức ăn, nước uống hàng ngày.
Theo nhiều khuyến cáo về dinh dưỡng, các bữa ăn hàng ngày cần đến 20 – 25 loại thực phẩm thì sẽ đủ các yếu tố vi chất dinh dưỡng.
Do đó, nên thay đổi thói quen chỉ ăn một vài loại thức ăn hoặc có bà mẹ tin tưởng sai lầm là chỉ cần cho con uống sữa là đủ mà lơ là trong việc chăm sóc bữa ăn cho trẻ. Trong 5 năm đầu đời, vấn đề cung cấp dinh dưỡng cho trẻ rất quan trọng vì sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến sự phát triển tương lai của trẻ.
Tuy nhiên, hiện nay còn rất nhiều gia đình chưa hiểu đúng về dinh dưỡng và cũng chưa quan tâm đúng mức việc chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em nên tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của trẻ em tồn tại khá phổ biến trong cộng đồng. Để khắc phục tình trạng trên, rất mong các bậc cha mẹ quan tâm tìm hiểu và thực hành tốt dinh dưỡng cho gia đình, là ăn nhiều loại thực phẩm để đủ chất chứ không phải là bữa ăn sang trọng cầu kỳ. Đạm từ cá, đậu nành cũng tốt như các các loại thịt, sữa. Các loại rau, củ, quả thông thường quanh ta cũng có đủ vi chất dinh dưỡng. Nên sử dụng muối I-ốt trong chế biến thức ăn, nhớ tẩy giun cho trẻ trên 2 tuổi (24 tháng) 6 tháng/ lần theo định kỳ.
Ngày 1 và 2-6 hằng năm là Ngày Vi chất dinh dưỡng. Vì tương lai con em, các bậc cha mẹ hãy đưa các cháu trong độ tuổi từ 6 – 60 tháng tuổi đến trạm y tế để được uống vitamin A liều cao và được tư vấn về vi chất dinh dưỡng.
BS. Nguyễn Năm