Đề xuất nâng mức hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai, dịch bệnh

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất nâng mức hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để khôi phục sản xuất. Theo đó, mức hỗ trợ cao nhất được Bộ đề xuất tăng gấp hơn 2 lần so với quy định hiện hành.

Đó là thông tin được nêu trong dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 142/2009/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh đang được công bố lấy ý kiến nhân dân.

Đề xuất nâng mức hỗ trợ đối với giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản
cho đồng bào vùng bị thiên tai, dịch bệnh. Ảnh minh họa

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Tùng, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống lụt, bão, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị trực tiếp xây dựng dự thảo cho biết, để phù hợp với thực tiễn hiện nay, dự thảo đã đề xuất nâng mức hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy hải sản để khôi phục sản xuất, phục vụ thiên tai.

Đề xuất tăng gấp đôi mức hỗ trợ đối với cây trồng

Theo đó đối với cây trồng bị thiệt hại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất tăng mức hỗ trợ lên gấp đôi so với quy định hiện hành.

Cụ thể, dự thảo đề xuất đối với diện tích gieo cấy lúa thuần bị thiệt hại hơn 70%, mức hỗ trợ là 2.000.000 đồng/ha (mức hỗ trợ hiện nay là 1.000.000 đồng/ha); đối với diện tích thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha (mức hiện nay là 500.000 đồng/ha). Còn đối với diện tích lúa lai bị thiệt hại hơn 70%, mức hỗ trợ được đề xuất là 3.000.000 đồng/ha (mức hiện nay là 1.500.000 đồng/ha); thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha (mức hiện nay là 750.000 đồng/ha)...

Diện tích ngô, rau màu các loại và cây ăn quả lâu năm thiệt hại hơn 70%, được hỗ trợ với mức tương ứng là 2.000.000 đồng/ha và 4.000.000 đồng/ha. Còn nếu thiệt hại từ 30-70%, mức hỗ trợ tương ứng là 1.000.000 đồng/ha và 2.000.000 đồng/ha.

Dự thảo còn đề nghị bổ sung quy định hỗ trợ đối với diện tích mạ đã gieo tương ứng với từng loại lúa giống bị thiệt hại do thiên tai. Trong đó, mức hỗ trợ được căn cứ vào diện tích mạ bị thiệt hại, sau đó quy đổi bằng 10 lần diện tích lúa cùng loại. Theo đó, đối với diện tích mạ lúa thuần bị thiệt hại hơn 70%, dự thảo đề xuất mức hỗ trợ là 20.000.000 đồng/ha, còn thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha. Đối với diện tích mạ lúa lai bị thiệt hại hơn 70%, dự thảo đề xuất mức hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha, còn thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha.

Hỗ trợ nuôi trồng thủy, hải sản theo hình thức quảng canh, thâm canh

Dự thảo đề xuất nâng mức hỗ trợ đối với vật nuôi bị thiệt hai do thiên tai.

Cụ thể đối với gia cầm, mức hỗ trợ được đề xuất nâng từ 7.000 – 15.000 đồng/con giống lên mức 10.000 – 20.000 đồng/con giống; lợn từ 500.000 đồng/con giống lên mức 750.000 đồng/con giống; trâu, bò, ngựa từ 2.000.000 đồng/con giống lên mức 4.000.000 đồng/con giống; hươu, nai, cừu, dê từ 1.000.000 đồng/con giống lên mức 2.000.000 đồng/con giống.

Về hỗ trợ đối với nuôi trồng thủy, hải sản, điểm mới của dự thảo ngoài việc tăng mức hỗ trợ, còn phân biệt mức hỗ trợ đối với nuôi trồng theo hình thức quảng canh hoặc thâm canh, nuôi công nghiệp. Cụ thể, diện tích nuôi trồng theo hình thức quảng canh bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ từ 6.000.000-10.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ từ 2.000.000-6.000.000 đồng/ha.

Còn đối với diện tích nuôi trồng theo hình thức thâm canh hoặc nuôi công nghiệp bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ từ 12.000.000-20.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ từ 4.000.000-12.000.000 đồng/ha;

Các tỉnh khó khăn sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí

Về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, ông Tùng cho biết, theo quy định tại Quyết định 142/2009/QĐ-TTg thì ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ 80% kinh phí bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh cho các tỉnh miền núi, Tây Nguyên. Dự thảo này đề xuất nâng mức hỗ trợ cho các tỉnh này lên 100%.

Đồng thời, cũng bổ sung quy định đối với các tỉnh nghèo, khó khăn về nguồn ngân sách thì ngân sách trung ương hỗ trợ 100% kinh phí bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Ngoài ra, dự thảo còn yêu cầu: Chủ tịch UBND các tỉnh phải chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác thực hiện hỗ trợ để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Đối với mức thiệt hại nhỏ hơn 5 tỷ đồng, địa phương tự cân đối hỗ trợ, còn nguồn của Trung ương chỉ hỗ trợ khi mức thiệt hại bằng hoặc vượt quá 5 tỷ đồng.

Nguồn www.chinhphu.vn