Không phân biệt văn bằng khi quy định điều kiện đăng ký dự tuyển công chức

Theo dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 13/2010/TT-BNV của Bộ Nội vụ, cơ quan quản lý công chức không phân biệt loại hình đào tạo và văn bằng, chứng chỉ (chính quy, tại chức, liên thông, chuyên tu, từ xa, theo niên hạn hoặc theo tín chỉ), không phân biệt trường công lập và trường ngoài công lập khi quy định điều kiện đăng ký dự tuyển công chức.

Dự thảo Thông tư nêu trên đang được Bộ Nội vụ xây dựng.

Dự thảo này sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

Theo đó, dự thảo mới quy định về điều kiện đăng ký dự tuyển công chức thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP. Riêng các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển do cơ quan sử dụng công chức xây dựng trên cơ sở bản mô tả công việc gắn với chuyên ngành đào tạo, các kỹ năng, kinh nghiệm theo yêu cầu tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch công chức của vị trí dự tuyển.

Ngoài ra, dự thảo còn bổ sung quy định: Cơ quan quản lý công chức không phân biệt loại hình đào tạo và văn bằng, chứng chỉ (chính quy, tại chức, liên thông, chuyên tu, từ xa, theo niên hạn hoặc theo tín chỉ), không phân biệt trường công lập và trường ngoài công lập khi quy định điều kiện đăng ký dự tuyển công chức.

Trao đổi với phóng viên, ông Trương Hải Long, Vụ Công chức, Viên chức, Bộ Nội vụ cho biết quy định trên nhằm đảm bảo sự bình đẳng cho các ứng viên khi tham dự tuyển dụng công chức.

Ông Long cho biết thêm, dự thảo cũng yêu cầu các cơ quan quản lý công chức không tự quy định thêm các loại đối tượng ưu tiên khác ngoài các đối tượng ưu tiên đã được quy định tại Điều 5, Nghị định 24/2010/NĐ-CP khi tổ chức tuyển dụng.

2 trường hợp được xem xét tuyển dụng công chức không qua thi tuyển

Dự thảo quy định: Người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước và người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, loại xuất sắc ở nước ngoài được xem xét tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển nếu tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tốt nghiệp thủ khoa ở trình độ đại học tại các cơ sở đào tạo ở trong nước hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, loại xuất sắc ở nước ngoài...

Trường hợp thứ hai là người có kinh nghiệm công tác theo quy định được xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển, nếu hiện đang công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển; có thời gian tốt nghiệp đại học và làm công việc phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển từ đủ 60 tháng trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc và nếu có thời gian công tác không liên tục thì được cộng dồn); trong thời gian công tác 5 năm gần nhất không vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển...

Quy trình xem xét tuyển dụng công chức không qua thi tuyển

Về quy trình xem xét tuyển dụng công chức không qua thi tuyển, dự thảo nêu rõ, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức phải có văn bản gửi Bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương thống nhất ý kiến trước khi quyết định tuyển dụng đối với các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức theo quy định trên.

Tuy nhiên, để hợp lý quy trình xem xét tuyển dụng công chức không qua thi tuyển, ông Long cho biết dự thảo đã bổ sung một số trường hợp không phải thống nhất với Bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương trước khi quyết định tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển.

Cụ thể, có 3 trường hợp gồm: 1- Những người đã là cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên thuộc ngành, lĩnh vực cần tuyển, sau đó chuyển sang công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang; 2- Viên chức đã được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch trước 1/7/2003; 3- Những người là sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp, người làm công tác cơ yếu.

Đối với các trường hợp này, dự thảo quy định người đứng đầu cơ quan quản lý công chức xem xét, quyết định tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển, sau đó có văn bản báo cáo Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Trung ương để theo dõi theo thẩm quyền. 

Nguồn www.chinhphu.vn