Đẩy mạnh ứng dụng GAP trong sản xuất trồng trọt

Để việc áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) thành phổ biến trong sản xuất, góp phần tăng giá trị gia tăng, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho doanh nghiệp và nông dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh ứng dụng GAP trong sản xuất trồng trọt.

Chỉ thị nêu rõ, cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào áp dụng GAP trong sản xuất trồng trọt vì đây là xu thế phát triển, là yêu cầu của thị trường. Muốn có sản phẩm chất lượng, an toàn thì phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt trong quá trình sản xuất.

 
Sản xuất Thanh long theo GAP nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm - Ảnh minh họa

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đi lên từ một nền sản xuất nhỏ lẻ, nên áp dụng GAP là một quá trình khó khăn, cần kiên trì chỉ đạo áp dụng cho phù hợp với yêu cầu của thị trường và điều kiện cụ thể của từng địa phương với từng cấp độ.

Cụ thể, mức độ tối thiểu bắt buộc áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) đối với cơ sở sản xuất và điều kiện bảo đảm ATTP đối với sản phẩm trong quá trình sản xuất. Các quy chuẩn kỹ thuật được xây dựng trên cơ sở các chỉ tiêu cơ bản của VietGAP nhằm đảm bảo ATTP và truy xuất nguồn gốc; người sản xuất có thể tự đánh giá phù hợp và công bố sản phẩm an toàn nhằm hướng tới thị trường trong nước.

Mức độ cao khuyến khích áp dụng đầy đủ các chỉ tiêu của GAP theo hướng: GlobalGAP áp dụng đối với các sản phẩm đặc thù, có giá trị kinh tế cao và có hợp đồng bao tiêu chắc chắn, trong đó yêu cầu phải chứng nhận đạt GlobalGAP.

Các loại GAP khác (GlobalGAP, 4C, UTZ Certified, Rain Forest...) chủ yếu áp dụng cho cây công nghiệp xuất khẩu như chè, cà phê, cao cao, hồ tiêu thông qua các dự án đối tác công tư (PPP), doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn và nông dân phối hợp tổ chức sản xuất, chứng nhận GAP và tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, áp dụng VietGAP đối với các sản phẩm rau, quả, chè, lúa gạo tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu, từng bước nâng cấp VietGAP để được thừa nhận trên thị trường quốc tế.

Trước mắt, đề xuất quy định bắt buộc siêu thị, nhà hàng, khách sạn,... phải tiêu thụ sản phẩm an toàn

Chỉ thị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ, một trong những biện pháp trọng tâm cấp bách hiện nay là hình thành, phát triển thị trường sản phẩm an toàn ở trong nước theo hướng minh bạch, giúp người tiêu dùng biết địa chỉ bán sản phẩm an toàn, tăng sức mua nhằm thúc đẩy sản xuất an toàn theo GAP.

Trước mắt, nghiên cứu đề xuất quy định bắt buộc một số khu vực của thị trường (siêu thị, nhà hàng, khách sạn, tổ chức, cá nhân chế biến...) phải tiêu thụ sản phẩm an toàn, có địa chỉ, có nguồn gốc, tiến tới bắt buộc tất cả các đối tượng khác buôn bán, kinh doanh trên thị trường phải áp dụng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định một trong những biện pháp trọng tâm cấp bách hiện nay là khẩn trương rà soát, phê duyệt quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đủ điều kiện sản xuất an toàn, phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của từng địa phương và cả nước.

Nguồn www.chinhphu.vn