(NTO) Những điều nên tránh khi học để chuẩn bị thi:
Thứ nhất, học sinh không được học “tủ”. Nhiều học sinh cho rằng, các phần kiến thức đã có trong đề thi những năm gần đây thì không thi lại nữa nên loại bỏ ra, không ôn tập. Điều này rất sai lầm, vì phần kiến thức của Lịch sử 12 (cả phần lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam) được trình bày liền mạch theo thời gian và câu hỏi thường hay lô-gíc với nhau. Nếu học sinh không nắm các sự kiện một cách bài bản thì trong quá trình làm bài các em sẽ dễ nhầm lẫn kiến thức, dẫn đến lạc đề.
Thứ hai, phải loại bỏ suy nghĩ chuẩn bị tài liệu để mang vào phòng thi. Vì làm việc này sẽ vi phạm quy chế thi và ảnh hưởng tới quá trình học tập (không học vì đã có “phao”), tạo tâm lý căng thẳng, lo sợ trong quá trình làm bài.
Thứ ba, học có tính đối phó. Nhiều em xác định học và thi môn Lịch sử chỉ cần được 3 điểm, 4 điểm là đạt yêu cầu. Suy nghĩ như vậy là sai lầm, bởi vì điểm để được công nhận tốt nghiệp (Trung học phổ thông, Bổ túc Trung học phổ thông) là tổng điểm của cả 6 môn thi (30 điểm) nên môn học nào học sinh cũng phải cố gắng.
Những điều lưu ý khi học bài:
Đừng coi môn Lịch sử là môn phụ. Sử phải học thường xuyên để ngấm sâu vào nhận thức của từng người. Phải chọn vấn đề để học, phải hiểu vấn đề để nắm vững then chốt của vấn đề và vận dụng linh hoạt trong bài làm vì đề thi trong những năm gần đây đều thiên về dạng bài có phân tích và tổng hợp. Trong quá trình làm bài không nên sa đà vào sự kiện mà phải nêu bật được tính khái quát của vấn đề. Do vậy, yêu cầu học sinh phải nắm đại thể và biết khái quát vấn đề, quan trọng nhất là nắm chắc câu hỏi. Tránh lối học thuộc lòng, học vẹt, vì khi quên một chữ là các em sẽ quên hết nội dung của cả mục, cả bài.
Một lưu ý khi học: đối với lịch sử thế giới thường ra đề trong phạm vi từ năm 1945 trở lại đây. Học sinh cũng nên chú ý tới lịch sử thế giới vì dễ có điểm bởi không phải phân tích nhiều.
Làm thế nào để bài thi môn Lịch sử đạt kết quả tốt?
Khi làm bài, học sinh cần hiểu câu hỏi và cách giải quyết câu hỏi theo các bước: hiểu kỹ đề bài, tìm những ý chính, lựa chọn và sắp xếp những ý quan trọng nhất cần được giải quyết, lập một dàn bài sơ lược... Nguyên tắc của môn Lịch sử là không được đảo lộn các sự kiện, mốc thời gian. Bài thi cần viết các ý ngắn gọn nhưng trình bày được đầy đủ nội dung cần thiết, không nhất thiết phải viết dài. Nên chia thời gian phù hợp để làm hết các câu hỏi theo yêu cầu của đề, tránh bỏ sót. Cố gắng dành khoảng 5 đến 7 phút để đọc lại bài, sửa chữa những chỗ sai sót nhầm lẫn rồi mới nộp bài. Đọc lại là khâu rất quan trọng để bài thi được điểm cao hơn. Phải chú trọng nhiều đến cách hành văn (đúng ngữ pháp không viết sai chính tả, diễn đạt gọn…).
Như vậy, việc ôn tập chuẩn bị cho các kỳ thi là một khâu quan trọng. Để đạt được điểm cao thì yêu cầu các em phải rèn luyện kỹ năng, phương pháp, trong đó phải nhớ, hiểu và biết cách làm bài.
Th.s Lê Thế Kỷ
Sở Giáo dục và Đào tạo