Dầu tăng giá, hải sản được mùa

(NTO) Bước vào vụ cá Nam, sau hơn một tháng ra khơi khai thác, ngư dân tỉnh ta đang hết sức phấn khởi vì vừa được mùa, vừa được giá. Ông Phạm Trung Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT&BVNLTS) tỉnh cho hay: “Vừa rồi giá xăng, dầu tăng nhưng tác động ảnh hưởng của nó đến hoạt động các tàu thuyền chưa rõ nét. Có lẽ nhờ sản lượng hải sản đánh bắt đạt cao, thu nhập khá nên hầu hết ngư dân đều rất lạc quan”.

Tính đến giữa tháng 4, toàn tỉnh khai thác hải sản đạt sản lượng trên 18.530 tấn, bằng 32,2% kế hoạch năm và tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trao đổi với các chủ tàu cá ở các địa phương ven biển, chúng tôi được biết trong 4 tháng qua, ngư trường tỉnh ta thường xuyên xuất hiện đàn cá nổi nên hoạt động đánh bắt luôn nhôn nhịp hơn lúc nào hết.

Tổ đoàn kết khai thác của ông Nguyễn Văn Bông chuẩn bị lương thực, thực phảm ra khơi đánh bắt

Anh Lê Hồng Phong, Trưởng phòng Quản lý khai thác nguồn lợi và môi trường thủy sản (Chi cục KT&BVNLTS tỉnh) khẳng định: “Trừ một số rất nhỏ phải nằm bờ sửa chữa hỏng hóc, còn lại các tàu cá đã lên đường đi đánh bắt. Tất nhiên giá xăng dầu nhích lên có làm tăng thêm chi phí nhiên liệu nhưng nhờ cá được giá, thu thừa sức bù chi nên tôi chưa ghi nhận trường hợp chủ ghe thuyền nào kêu ca”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá dầu (nhiên liệu chính của các tàu thuyền) đã tăng thêm 500 đồng/lít, cụ thể từ 21.770 đồng lên 22.570 đồng/lít. Biên độ tăng rất nhỏ nên các tàu thuyền đánh bắt cá chưa “cảm nhận” được ảnh hưởng. Có thể lấy các tàu cá ở Phước Diêm và Cà Ná (Thuận Nam) làm thí dụ, nếu đánh gần bờ (2-3 ngày về) mỗi chuyến tiêu hao bình quân 300 lít dầu, đi xa dài ngày hơn (khoảng tuần lễ) thì mất 700-800 lít dầu. Như vậy với giá dầu tăng thêm 500 đồng, nhiên liệu mỗi chuyến tàu phải chi phí thêm tối thiểu 150 ngàn đồng (đánh gần bờ) và 350 đến 400 ngàn đồng (đánh xa bờ).

Ông Phan Văn Hải, tổ trưởng của một tổ đoàn kết khai thác hải sản ở Phước Diêm nói: “ Thực ra tàu thuyền chúng tôi vẫn đi khai thác bình thường ở các vùng biển xa tận đảo Phú Quốc, Kiên Giang và còn chưa biết rõ giá dầu đã tăng bao nhiêu, đang hào hứng vì trúng mùa cá nên cứ đổ dầu xong là hối hả ra khơi, đánh xong thì lo đi bán nhanh, đâu có để ý là giá dầu chênh lệch hơn trước”. Nhiều chủ tàu cá khác ở xã Cà Ná cũng cho rằng với giá dầu này chưa phải là điều đáng lo lắm. Ông Nguyễn Văn Bông, một trong những ngư dân đi tiên phong xây dựng mô hình tổ hợp tác khai thác trên biển của Phước Diêm, Cà Ná chia sẻ: “Lợi thế của việc hợp tác là tiết kiệm nhiên liệu tiêu hao và chi phí cho chuyến đi biển dài ngày, lần này càng thể hiện rõ ở việc dù giá dầu nhích dần lên trong 3 tháng qua nhưng không tác động gì nhiều đến tổ hợp tác. Nếu làm ăn cá thể, các chủ tàu phải tự đánh bắt, tự vận chuyển, ra vào rất tốn nhiên liệu, thế nhưng tôi cũng chưa nghe ghe tàu nào kêu lỗ”. Qua trò chuyện với ông Bông, chúng tôi được biết giá cá cơm bán ngay tại vùng biển khai thác vẫn ở mức giá 250 ngàn đồng/giỏ, tức chẳng giảm chút nào so với dự báo khi vào vụ chính Nam sẽ xuống còn khoảng 150 ngàn đồng/giỏ. Điều này có nghĩa khi xăng dầu tăng giá, ngư dân chưa bị tác động nhưng chính người tiêu dùng lại chịu ảnh hường nhiều nhất. Với giá cá cơm cao, hầu hết các cơ sở chế biến nước mắm ở Phước Diêm và nhiều cơ sở lớn tại Cà Ná đã ngưng sản xuất.

Sản lượng hải sản khai thác 4 tháng đầu năm tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ

Theo các ngư dân chuyên đi câu cá mú, cá thu ven bờ, trong thực tế giá các loại hải sản cao cấp tăng không đáng kể, cá được mùa được giá tập trung chủ yếu vào các loại cá nổi, nhất là cá cơm. Điều cần nói là tác động từ tăng giá xăng dầu đến hoạt động khai thác hải sản tuy chưa rõ nét nhưng một số mặt hàng khác tăng giá đã gây chú ý cho ngư dân. Đơn cử nước đá, trước đây chỉ 16.000 đồng/cây thì nay sau khi xay xong đưa xuống ghe tàu có giá 18.000 đồng/ cây, thậm chí có lúc nhu cầu dồn dập phải lấy nước đá từ Khánh Hòa vào với giá 20.000 đồng/cây. Thông thường mỗi ghe tàu đi đánh bắt cần từ 150 đến 200 cây nước đá, thử làm bài tính nhỏ có thể thấy riêng chi phí cho mặt hàng này đã tăng thêm từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng. Lý giải vấn đề này, anh Lê Hồng Phong cho rằng có nguyên nhân do tăng giá điện, đặc biệt là tăng giá xăng dầu làm nâng cước phí vận chuyển. Riêng với giá hải sản hiện nay tăng cao, không phải do tác động của nhiên liệu tăng giá, mà cái chính là thị trường đã chọn tiêu thụ cá thay cho thịt heo (do sự cố thuốc tăng trọng).

Trong khi ngư trường đang thuận lợi, khai thác hải sản đạt kết quả khả quan, khó đánh giá tác động của việc nhiên liệu xăng dầu tăng giá. Tuy nhiên, theo ông Phạm Trung Kiên, nếu ngư trường không còn thuận lợi, giá nhiên liệu tiếp tục biến động tăng, rõ ràng tàu thuyền đánh bắt sẽ đối mặt khó khăn. Trước nguy cơ tiềm ẩn tác động của giá nhiên liệu tăng, một lần nữa việc hợp tác khai thác trên biển được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu để ngư dân hỗ trợ nhau tìm ra ngư trường khai thác mới, tiết kiệm nhiên liệu và các chi phí khác khi ra khơi đánh bắt.