Kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động (1-5):

Nhân rộng ý nghĩa Ngày Quốc tế Lao động bằng những hành động thiết thực

Trong cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản với giai cấp vô sản và nhân dân lao động, vấn đề thời gian lao động có ý nghĩa quan trọng. Ngay sau khi thành lập Quốc tế I (năm 1864), Các Mác coi việc rút ngắn thời gian lao động là nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp vô sản.

Tại Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế I họp tại Gienève (Thụy Sỹ) tháng 9-1866, vấn đề đấu tranh cho ngày làm việc 8 giờ được coi là nhiệm vụ quan trọng. Khẩu hiệu "Ngày làm việc 8 giờ" xuất hiện đầu tiên ở một số nơi của nước Anh. Yêu sách này dần lan sang các nước khác. Không chịu đựng mãi với chế độ bóc lột tàn khốc của giai cấp tư sản, phong trào bãi công của công nhân châu Âu, Bắc Mỹ bùng lên, với đòi hỏi bức thiết là tăng lương, giảm giờ làm. Cùng với phong trào đấu tranh của công nhân là sự ra đời và phát triển phong trào Công đoàn. Năm 1868, giới cầm quyền Mỹ buộc phải thông qua đạo luật ngày làm 8 giờ trong các cơ quan, xí nghiệp thuộc Chính phủ. Tuy nhiên, các xí nghiệp tư nhân vẫn giữ ngày làm việc 11 đến 12 giờ.

 
Công nhân Trung tâm Cơ khí toa xe Tháp Chàm sản xuất linh kiện phục vụ tu sửa toa tàu.  
Ảnh: Văn Miên

Tại thành phố Chicago, ngày 1-5-1886, hưởng ứng lời kêu gọi của Liên đoàn Lao động Mỹ, công nhân toàn thành phố tiến hành bãi công, tổ chức mít- tinh, biểu tình trên đường phố. Khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của giai cấp công nhân. Những tên chủ tư bản ngoan cố không trả lời yêu sách của công nhân, cho đóng cửa nhà máy và những người bãi công bị cảnh sát đàn áp, 9 công nhân bị giết, 50 người bị thương nặng, gây chấn động thành phố. Ngày 4-5-1886, một cuộc mít-tinh khổng lồ diễn ra ở quảng trường Haymácket để phản kháng hành động đàn áp của cảnh sát. Bọn chủ dùng thủ đoạn xảo trá, ném bom làm chết 7 cảnh sát, 4 công nhân và nhiều người bị thương. Lấy cớ đó, chính quyền mở cuộc khủng bố làm hơn 200 người chết và nhiều người bị thương, nhà tù chật ních những người tham gia đấu tranh.

Vụ tàn sát đẫm máu đó đã gây chấn động lớn trong giai cấp công nhân thế giới. Ở Mỹ, tại nhiều thành phố, nhiều cuộc biểu tình lớn nổ ra phản đối chính quyền và ủng hộ yêu sách của công nhân Chicagô. Công nhân Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan… tổ chức nhiều cuộc mít-tinh ủng hộ công nhân Mỹ. Hơn một năm sau, sáng ngày 11-11-1887, các thủ lĩnh của cuộc đấu tranh bị chính quyền treo cổ. Tuy phong trào bị trấn áp, nhưng chính phủ buộc phải ban hành đạo luật ngày làm 8 giờ.

Để ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân các nước, tại Đại hội thành lập Quốc tế II, ngày 14-7-1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1-5 làm ngày đoàn kết đấu tranh của những người cộng sản trên toàn thế giới. Từ đó, ngày 1-5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động.

Từ những năm đầu của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê-nin vào Việt Nam qua những tác phẩm của mình, giúp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam hiểu rõ phong trào cộng sản, công nhân, công đoàn thế giới, biết đến Cách mạng Tháng Mười Nga, ngày Quốc tế Lao động 1-5 và biểu thị sự đoàn kết với giai cấp công nhân thế giới. Ngày 1-5-1925, công nhân Chợ Lớn, công nhân đường sắt Dĩ An, công nhân Đà Nẵng biểu tình bày tỏ sự ủng hộ Liên Xô. Tháng 8-1925, công nhân nhà máy đóng tàu Ba Son (Sài Gòn) đã bãi công đòi tăng lương và ủng hộ phong trào đấu tranh của công nhân Thượng Hải (Trung Quốc). Những cuộc đấu tranh đầu tiên ấy đánh dấu sự kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, một mốc son chuyển phong trào công nhân Việt Nam phát triển từ tự phát đến tự giác.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập ngày 3-2-1930, ngay trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã xác định vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách mạng, đóng vai trò nòng cốt trong khối liên minh Công – Nông. Phong trào đấu tranh ngày 1-5-1930 đã mở đầu cho cao trào cách mạng 1930 - 1931. Từ thành thị đến nông thôn, từ Bắc chí Nam, nhiều nơi treo cờ Đảng, tổ chức mít-tinh, tuần hành thị uy. Lần đầu tiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn, vận động của Công hội Đỏ, công nhân và nông dân mít-tinh chào mừng Ngày Quốc tế Lao động 1-5. Đây cũng là lần đầu tiên, giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên phạm vi cả nước đoàn kết đấu tranh, tỏ rõ sức mạnh vô địch, sứ mệnh lịch sử, nghị lực phi thường của khối liên minh Công - Nông.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là qua hơn 20 năm đổi mới, cùng với sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, giai cấp công nhân Việt Nam đã có những chuyển biến quan trọng, tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu, chất lượng được nâng lên, đã hình thành ngày càng đông bộ phận công nhân trí thức; đang tiếp tục phát huy vai trò của mình và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI đã khẳng định: “Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Để đạt được điều đó, cần phải: “Quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

Kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5 năm nay thực sự có ý nghĩa khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và kỷ niệm 37 năm Ngày Chiến thắng lịch sử 30-4. Đây là dịp giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước phát huy vai trò nòng cốt trong khối liên minh Công – Nông, thể hiện bằng những hành động thiết thực, góp phần xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam