Nhìn chung, hiệu quả tiêm văc-xin phòng ngừa 8 bệnh (lao, bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, sởi, viêm gan siêu vi B, viêm màng não mũ) sau 27 năm triển khai đến nay đã đem lợi ích sức khỏe cho trẻ em là rất rõ ràng và đáng khích lệ. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm văc-xin phòng đủ 8 bệnh ở nhiều nước vẫn còn mức độ thấp, nước ta cũng chỉ đạt khoảng 90 - 97%, riêng tỉnh ta luôn đạt > 95% hàng năm. Như vậy vẫn còn khoảng 5- 10% trẻ em không được bảo vệ bằng văc-xin. Đây là một sự thiệt thòi rất lớn cho các em và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và tương lai của các em sau này. Vì thế Viện Vệ sinh Dịch tể Trung ương chỉ đạo ngành Y tế các tỉnh triển khai “Tổ chức hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng năm 2012” do Tổ chức Y tế thế giới phát động từ ngày 2- 6/5/2012, với mục tiêu nâng cao nhận thức bà mẹ và người chăm sóc về tầm quan trọng của tiêm văc-xin phòng bệnh và tăng cường công tác y tế dự phòng cho trẻ em tránh mắc những bệnh có thể dự phòng được bằng văc-xin ngay từ khi trẻ sinh ra.
Công tác truyền thông về tiêm văc-xin phòng bệnh đã thực hiện nhiều năm liền, đặc biệt từ năm 1995 – 2000 với Chiến dịch Những ngày Tiêm chủng mở rộng toàn quốc thực hiện vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm có sự tham gia của toàn xã hội, trong đó UBND các cấp trực tiếp chỉ đạo, giám sát và kiểm tra từng điểm tiêm uống văc-xin, tạo ra khí thế như những ngày hội. Y tế thôn thường xuyên trực tiếp đến từng nhà phát giấy mời cho các bà mẹ đưa trẻ đi tiêm, nhưng vẫn có một số bà mẹ hoặc ông bố hoặc ông bà vẫn kiên quyết không cho con đi tiêm vì sợ con đau, sợ con sốt, sợ biến chứng ..
Trên thực tế không có loại thuốc gì mà không có biến chứng dù được chỉ định đúng và sử dụng đúng. Tuy nhiên, với sự tiến bộ khoa học văc-xin được bào chế ngày càng an toàn nên rất hiếm xảy ra tai biến trong tiêm chủng mở rộng, đồng thời ngành Y tế luôn chuẩn bị các thuốc và phương tiện cấp cứu tại các điểm tiêm, hướng dẫn các bà mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế khi thấy trẻ sốt, mệt, ói mữa… sau khi tiêm. Các bà mẹ nên chủ động khai báo trước nếu trẻ có gì bất thường (sốt, ho, tiêu chảy, mệt, khó thở) và cán bộ y tế cần kiểm tra lại để tuân thủ việc chống chỉ định khi tiêm văc-xin.
Những trẻ lần tiêm ngừa trước có phản ứng mệt, nổi mẩn phải xử trí thì lần tiêm sau nên cho trẻ tiêm ở bệnh viện.
Những trường hợp đang bị mắc các bệnh như: hen phế quản, bệnh tim hoặc phổi mạn tính, bị cắt lách, hội chứng Down, nhiễm HIV hoặc trẻ thiếu tháng cần xem xét chỉ định tiêm một cách cẩn thận. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo không nên sử dụng văc-xin sống (BCG, bại liệt, sởi …) cho những trẻ này. Trẻ sinh thiếu tháng vẫn được tiêm văc-xin như trẻ sinh bình thường khi đạt 2 tháng tuổi.
BS Nguyễn Năm