Đoàn y bác sĩ của Tổ chức Y tế tình nguyện TPHCM, Báo Sài Gòn Giải Phóng, Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh An Giang và Đoàn Nghệ thuật đàn tính hát then thuộc Hội Người cao tuổi Việt Nam tại TPHCM do bác sĩ Hồ Quang Hải làm trưởng đoàn, đã vượt hơn 800km đến đây khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí và diễn văn nghệ phục vụ bà con kiều bào và nhân dân Lào sinh sống tại Pakse, nhân kỷ niệm 35 năm ngày ký hiệp ước Hữu nghị Việt Nam – Lào (18-7-1977 – 18-7-2012). Tỉnh Champasak cũng là địa phương kết nghĩa với TPHCM.
Tiết mục đàn tính hòa cùng lời ca trong buổi văn nghệ.
Đông đảo bà con kiều bào và cũng có rất nhiều nhân dân Lào đến xem văn nghệ. Nhiều người tỏ ý thích thú vì được nghe lời ca tiếng hát từ quê nhà, những lời ca mà lâu lắm rồi họ chưa được nghe. “Lời ca như câu hát ru hời mà ngày xưa nằm nôi nghe mẹ hát. Âm ba ầu ơ buồn da diết lẫn ngọt ngào rót vào tai, không chỉ theo ta trong từng giấc ngủ mà cứ dai dẳng theo ta suốt cuộc đời”. Một kiều bào sau khi nghe một làn điệu dân ca hát ru, đã cảm kích thốt lên những lời lẽ từ trong trái tim mình. Không khí văn nghệ thêm tưng bừng và thân thiết hơn, khi có nhiều kiều bào đăng ký lên sân khấu cùng góp chung lời ca tiếng hát.
Thật cảm động khi nghe họ hát những bài về quê hương dân tộc như Cô gái mở đường, Hà Nội niềm tin và hy vọng, Trường sơn Đông, Trường sơn Tây… Sân khấu thêm thắm tình hữu nghị, đậm đà tình dân tộc khi các nghệ sĩ đến từ Việt Nam hát chung với bà con kiều bào và những người bạn Lào bài hát 5 anh em trên một chiếc xe tăng. Lúc đó không chỉ có những lời hát từ sân khấu mà hầu như cả khán phòng đều cất lên cùng một nhịp, không còn tên riêng nữa…
Sau khi hát xong bước xuống sân khấu, bác sĩ Trần Đức Tài, tuy sinh ra lớn lên tại Lào, nhưng gốc người Huế, bộc bạch: “Khi ở nhà, cả gia đình tôi đều nói tiếng Việt, chỉ khi ra đường, đi làm mới nói tiếng Lào. Đặc biệt là để cho con cái không xa lạ với Tổ quốc Việt Nam, với quê cha đất tổ, tôi dạy các con tập hát những bài hát Việt Nam”.
Đêm văn nghệ càng thêm ý nghĩa khi anh Đặng Công Nhân, Hiệu trưởng Trường Hữu Nghị, bước lên sân khấu nhận tập vở, bút viết do các nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật đàn tính hát then chung góp mua tặng các học sinh Việt Nam tại tỉnh Champasak. Anh Đặng Công Nhân cảm kích: “Năm 2003, Trường Tiểu học Hữu Nghị chính thức gióng lên tiếng trống khai trường khóa đầu tiên, cũng là năm đầu tiên con em người Việt tại Champasak được học tiếng Việt. Có rất đông con em người Lào cũng xin vào học, các phụ huynh Lào rất thích cho con em của họ học tiếng Việt. Rồi hôm nay, chúng tôi vô cùng hạnh phúc và cũng muốn rơi nước mắt khi nghe các cháu con em người Việt đang sinh sống tại Lào, cất tiếng ca những bài hát Việt Nam, tiếng hát từ trái tim Việt Nam bé bỏng. Nhất là được nghe những giai điệu dân ca của đàn tính hát then, như những lời ru con nặng trĩu quê nhà. Điều này, khiến những người sống xa Tổ quốc như chúng tôi thấy lòng mình ấm áp vô cùng”.
Nhạc sĩ Hoàng Quân, Trưởng đoàn Nghệ thuật đàn tính hát then, tâm đắc: “Then theo tiếng Tày là nghi lễ, là cúng cầu, mà lời khấn nguyện bao giờ cũng phát ra từ trong cõi lòng sâu thẳm của mình. Lời khấn cầu đó được biến tấu thành những câu hát, lời ca đậm đà tình cảm, mộc mạc. Chính vì vậy mà nó gần gũi với người nghe”.
Chương trình văn nghệ đã chấm dứt, nhưng mọi người vẫn chưa chịu về, họ còn lưu luyến ngồi nán lại cùng hát với nhau. Lời ca tiếng hát vẫn còn vang vọng trong đêm khuya. Trưởng đoàn Tổ chức Y tế tình nguyện TPHCM, bác sĩ Hồ Quang Hải, xúc động: “Chúng tôi mong mỏi sẽ còn tiếp tục sang đây chăm sóc sức khỏe cho bà con bằng những viên thuốc nghĩa tình, cũng như mang lời ca tiếng hát từ quê nhà Việt Nam sang đây phục vụ bà con. Dù cho đường xa xôi diệu vợi, nhưng cái tình dân tộc ruột rà máu mủ, tình kết nghĩa giữa hai thành phố Hồ Chí Minh và Champasak thân thiết, là nguồn động viên vô tận sẽ tiếp bước cho chúng tôi đến với bà con kiều bào cũng như bà con Lào hiền hòa mến khách, ngày càng thắt chặt tình hữu nghị Việt - Lào”.
Nguồn Báo SGGP Online