Đường 705 nối từ cầu Lương Cách thuộc QL 1A đi qua xã Xuân Hải (Ninh Hải) lên xã Phước Trung (Bác Ái). Những năm trước đây, đường xuống cấp, nhưng vào vụ thu hoạch người dân vẫn chọn những đoạn đường còn tốt để phơi lúa và rơm rạ, gây cản trở giao thông. Mới đây, con đường này được đầu tư nâng cấp để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân giữa hai huyện Ninh Hải và Bác Ái, tạo động lực phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên tại thời điểm này, trên quãng đường khoảng 3 km mới được nâng cấp, trải nhựa phẳng lỳ, người dân xã Xuân Hải lại “biến” đường thành sân phơi lúa.
Nhiều hộ dân phơi lúa trên đường 705, gây ách tắc giao thông.
Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy, mỗi ngày có hàng trăm hộ dân với hàng trăm tấn lúa được đem phơi trải dày trên đường, nhiều chỗ chỉ trừ một lối đi nhỏ vừa đủ cho xe thô sơ. Có hộ trong quá trình tuốt lúa, ngang nhiên xả rơm rạ ra giữa lòng đường. Chưa kể vào giờ cao điểm, sáng và chiều trên quãng đường này cảnh người cào, người xúc, vào bao chất đống, bốc vác lên xe chuyên chở như một công trường. Trong khi đó, có nhiều phương tiện giao thông qua lại, chen với gia súc thả rông trông rất mất trật tự, không đảm bảo an toàn giao thông.
Chị Châu Thị Thoa, người dân thôn An Nhơn đang cùng gia đình tranh thủ đổ từng bao lúa trên xe bò xuống phơi trên đường ngay trước cổng làng. Khi biết chúng tôi chụp ảnh, chị che nón, quay đi vẻ ngại ngùng. Tuy nhiên khi được hỏi chị không ngần ngại tâm sự: “Biết rằng phơi lúa trên đường là nguy hiểm và ảnh hưởng đến giao thông, nhưng do không có chỗ phơi, phải đành chịu”.
Được mùa lúa, lại tiện đường, người dân Xuân Hải phần lớn đưa lúa ra phơi thành hàng dài liên tục từ đầu thôn An Xuân đến thôn Thành Sơn, thậm chí ngay cả phần đường trước trụ sở UBND xã. Vào các ngày nghỉ, các hộ dân còn mang lúa vào phơi cả trong đài tưởng niệm liệt sĩ và sân trụ sở UBND xã.
Đồng chí Trần Ngọc Phận, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hải cho biết: Là địa phương sản xuất nông nghiệp, với tổng diện tích trên 860 ha, năng suất lúa vụ này đạt trên 6 tấn/ha, đạt sản lượng lúa rất cao nên đến vụ thu hoạch người dân không có đủ chỗ phơi lúa. Tình trạng phơi lúa trên đường diễn ra từ nhiều năm nay nhưng địa phương chưa có giải pháp tháo gỡ. Năm 2011, từ nguồn thu lạc túc đồng, xã đã đầu tư làm sân phơi tại thôn An Xuân 3 nhưng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu. Địa phương cũng đã kiến nghị lên các cấp, các ngành có hướng hỗ trợ nhưng chưa được.
Thiết nghĩ, để đảm bảo an toàn giao thông trên đoạn đường này đồng thời tạo thuận lợi cho sản xuất của các nông hộ, địa phương cần sớm quy hoạch và xây dựng sân phơi, đồng thời khuyến khích nông dân có điều kiện ứng dụng kỹ thuật mới trong khâu làm khô lúa để giảm “áp lực” sân phơi vào mỗi vụ thu hoạch như hiện nay.
Anh Tuấn