Chuyến đi là dịp để các thầy cô giáo và học sinh THPT được giao lưu học hỏi với các nhà khoa học, kỹ sư đang làm việc, nghiên cứu, vận hành lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, giúp các em học sinh có cái nhìn tổng thể, sâu sắc hơn về điện hạt nhân, an toàn hạt nhân, an toàn phóng xạ từ đó khơi dậy niềm đam mê khoa học công nghệ cao giúp các em học sinh định hướng nghề nghiệp và có động lực phấn đấu, rèn luyện tốt hơn.
Các học sinh tham quan và nghe chuyên gia giới thiệu tại Hệ thống công nghệ xử lý thải phóng xạ lỏng.
Đoàn tham quan gồm 30 học sinh và 6 cán bộ quản lý, giáo viên của các trường: THPT Chuyên Lê Quý Đôn, THPT Nguyễn Văn Linh (huyện Thuận Nam) và THPT Ninh Hải (huyện Ninh Hải).
Đến thăm Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, các giáo viên và học sinh đã được tìm hiểu về lịch sử hình thành của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, nguyên lý, mục tiêu hoạt động của lò, các thông số cơ bản, đặc điểm vận hành cũng như một số ứng dụng cơ bản của hạt nhân trong đời sống kinh tế - xã hội. Tại đây, các học sinh cũng được Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt giải đáp những thắc mắc liên quan đến ngành học, những yêu cầu cũng như chế độ ưu đãi khi theo học và làm việc trong lĩnh vực điện hạt nhân.
30 học sinh lớp 12 có thành tích học tập khối A xuất sắc cũng rất thích thú, hào hứng khi được tận mắt chứng kiến Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và các công trình phụ trợ, được trực tiếp tham quan lò phản ứng, phòng điều khiển… và trao đổi với các chuyên gia đang làm việc tại lò. Đặc biệt, khi được tận mắt chứng kiến cuộc sống hết sức ổn định, an toàn của bà con nơi đây, nhiều học sinh tỏ ra rất phấn khởi, không còn những tư tưởng hoang mang, lo lắng về độ an toàn của điện hạt nhân.
Sau khi được trực tiếp tham quan lò phản ứng, Em Nguyễn Thị Hoàng Nhi, học sinh lớp 12 Chuyên Toán, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn vui vẻ cho biết: “Chuyến tham quan, kiến tập này đã giúp em có một cái nhìn rõ hơn, thân thiện hơn về ngành điện hạt nhân. Em và gia đình vẫn luôn lo lắng vì sợ con gái theo ngành điện hạt nhân vất vả, không an toàn… sau khi tham quan và nghe các chuyên gia trao đổi giờ em cảm thấy rất hứng thú với ngành học này. Dù là con gái, em vẫn quyết tâm cố gắng theo ngành điện hạt nhân để sau này về phục vụ quê hương”.
Không chỉ riêng Nhi, rất nhiều học sinh của cả 3 trường sau khi có thêm những kiến thức về điện hạt nhân đã tự tin hơn khi lựa chọn theo ngành học này.
Hiện nay, tỉnh ta đã có 24 học sinh trúng tuyển du học tại Liên Bang Nga theo kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân. Trong đó, có 11 học sinh thuộc khóa đầu tiên đã bước vào năm học thứ nhất tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Nghiên cứu về hạt nhân. Năm 2012, phía Nga dự kiến tiếp tục cấp 70 suất học bổng diện Hiệp định để đào tạo trình độ đại học về năng lượng hạt nhân.
Bích Thủy