Cần có biện pháp quản lý người ăn xin

(NTO) Trên địa bàn tỉnh ta, nhất là tại Tp. Phan Rang-Tháp Chàm ngày càng xuất hiện nhiều người ăn xin. Tình trạng này đã kéo dài nhưng đến nay, ngành chức năng vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu.

Tại Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, đi đến đâu cũng dễ bắt gặp hình ảnh người ăn xin. Trên đường 21 Tháng 8 mỗi buổi sáng, tại chốt đèn tín hiệu giao thông gần ngã ba Công Thành lúc nào cũng xuất hiện một bà cụ người thấp đậm, khỏe mạnh miệng lẩm bẩm, tay cầm nón lá chìa ra trước mặt người đi đường để xin tiền. Trong khi nhiều người vô tình đi qua “ngó lơ”, thì có không ít người dừng lại, bỏ một vài ngàn vào chiếc nón. Hành động, chia sẻ với nỗi khổ của người nghèo là điều hết sức đáng trân trọng, tuy nhiên việc dừng xe trên đường vô tình gây ách tắc giao thông.

Cũng trên con đường này, mỗi sáng, người tham gia giao thông lại thấy một thanh niên bị cụt 2 chân, mặt mày nhếch nhác, áo quần rách rưới bò lê lết trên vệ đường để ăn xin, khiến nhiều người không khỏi ái ngại, thương cảm và chia sẻ. Chính vì vậy, bất kể ngày nắng hay mưa, người ăn xin “đặc biệt” này cứ lê la trên phố để sống nhờ vào sự run rủi lòng thương của mọi người.

Hình ảnh người ăn xin lang thang trên phố, không khó để bắt gặp. Nhưng nhiều nhất là tại các khu vực công cộng như: quán cóc vỉa hè, các khu chợ, bệnh viện, các điểm du lịch, khu vui chơi, giải trí... Người ăn xin xuất hiện với nhiều thành phần, đối tượng khác nhau, có cả người già, người trẻ, người tàn tật... Người vừa hát “xẩm”, đánh đàn, người lại dắt theo con nhỏ, người bị mù lòa, tàn tật rách rưới lang thang hết đầu đường đến cuối phố... Chính vì vậy, làm cho bộ mặt thành phố càng trở nên “xấu xí”, nhất là để lại những ấn tượng không đẹp đối với những du khách khi đến tham quan, du lịch tại tỉnh ta.

Anh T.N.Đ, một người dân ở phường Phước Mỹ cho biết: “Từ trước đến nay, hễ thấy người ăn xin chìa tay trước mặt thì tôi không bao giờ từ chối. Bởi số tiền cho không nhiều, nhưng do gần đây trên phố xuất hiện quá nhiều người ăn xin, cho người này rồi lại xuất hiện thêm những người khác nữa nên đành phải từ chối. Có những lúc đang ăn sáng ngon lành, thì xuất hiện người ăn xin với bộ dạng nhếch nhác, dơ bẩn chìa tay trước mặt khiến bữa ăn trở nên khó nuốt. Cũng mong chính quyền và ngành chức năng có chính sách và biện pháp để giảm bớt lượng người ăn xin”.

Bên cạnh những người ăn xin không còn khả năng lao động do tuổi cao, tật nguyền thì có không ít người ăn xin còn khỏe mạnh, nhưng lười lao động giả dạng rách rưới để ăn xin như một nghề kiếm sống! Đáng buồn có trường hợp, đi ăn xin nhưng vẫn hút thuốc lá, uống rượu, cà phê... mà không biết tiết kiệm đồng tiền mình xin được. Thế mới thấy rằng bên cạnh những người thực sự đói khổ do hoàn cảnh éo le, tật nguyền, thiếu may mắn, rất đáng thương cần được giúp đỡ, thì có không ít trường hợp người ăn xin xuất phát từ ý thức lười lao động và thiếu đi nỗ lực phấn đấu vươn lên và đánh mất tự trọng của chính mình.

Là địa phương đang trên đà phát triển mạnh mẽ, tỉnh ta đang phấn đấu trở thành điểm đến của Việt Nam trong tương lai, phát huy những nét đẹp văn hóa, lối sống văn minh. Chính vì thế, thiết nghĩ ngay từ bây giờ các địa phương và ngành liên quan cần có những giải pháp phù hợp để hạn chế đối tượng ăn xin trên địa bàn, nhất là tại các khu vực công cộng. Bên cạnh việc đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo, trợ cấp đối tượng bảo trợ xã hội, cần có đề án quản lý người ăn xin cũng như xây dựng khu tập trung nuôi dưỡng, giúp đỡ các đối tượng này, để góp phần giải quyết tốt tình trạng người ăn xin trên địa bàn tỉnh ta.