Quả bầu: Món giảm cân nhiều dinh dưỡng

100g bầu chỉ có 15 kalo, phần lớn là nước, kế đến là canxi, magiê, sắt, mangan và sinh tố C. Vì thế, những ai có ý định giảm cân nên đưa bầu luộc vào thực đơn, vừa no bụng vừa có thêm nhiều sinh tố, khoáng chất.

Có thể thay đổi khẩu vị từ bầu luộc sang bầu xào. Bầu xào với hến, thịt bò, tôm, nấm cũng là món giảm cân với điều kiện bầu là “diễn viên chính”.

Đĩa rau luộc gồm bầu, mướp đắng, carrot, súp lơ xanh cũng là “thuốc” góp phần ổn định đường huyết, “đình chỉ” tăng cân nhờ giàu chất xơ. Nếu trong gia đình có người bị tiểu đường, béo phì, nên làm món này 2-3 lần/tuần.

Món bầu luộc chấm vừng đen là “thuốc” trị táo bón vô cùng hiệu quả nhờ "hợp đồng tác chiến" giữa vừng đen nhuận tràng và quả bầu thanh nhiệt.

Người dân vùng sông nước Cửu Long còn có món cá lóc hấp bầu. Muốn ngon cần chọn cá nhỏ (khoảng 700g), xẻ xéo mình cá nhiều đường đến tận xương để dễ thấm gia vị. Bầu cắt đầu đuôi, khoét ruột, nhét cá vào sao cho nhìn thấy được đầu và đuôi cá. Đầu bếp khéo còn “vẽ” một ít hoa văn lên thân bầu. Chỉ cần hấp khoảng 10-15 phút là cá chín. Mặc dù bầu có tính hàn nhưng món cá lóc hấp bầu lại là món bà bầu ăn được là nhờ cá lóc “lành” lại đi kèm nhiều gia vị (tiêu, hành, gừng) nên không bị lạnh bụng.

Các món như bầu xào trứng, bầu luộc chấm nước mắm dầm trứng nên ăn ít hoặc nếu thích ăn thì nên “triệt tiêu” tính hàn dễ gây đi ngoài của bầu bằng cách dùng thêm các gia vị giúp ấm cơ thể .

Bầu kết hợp với hến không những giúp cơ thể thanh nhiệt, giải độc mà còn bổ gân, bổ thận, giúp lông, tóc, móng phát triển và giúp cho đời sống vợ chồng thăng hoa. Hến chọn con to, cho vào nồi hấp, hến há “miệng” thì bắc ra, bóc nhân (nếu muốn sạch cát thì ngâm nước muối mặn, hến sẽ há miệng nhả cát). Nước hến dùng để nấu canh bầu. Xào sơ hến để riêng. Canh bầu nấu hến muốn ngon nên chọn bầu có đốm trắng, người dân gọi là bầu sao. Bầu này ngọt và chắc thịt hơn loại thuôn dài (người xưa đã nói lên giá trị của bầu sao qua câu: Bầu sao nấu nước ao cũng ngọt). Bầu bỏ ruột, xắt sợi, xào qua hến với lửa to. Nấu sôi nước hến, cho bầu vào nấu chín tới, cho hến xào và hành vào. Nếu không thích ăn canh có thể dùng món xào, bầu xào hến cũng có hương vị ngon không kém.

Bên cạnh những mặt tốt, bầu cũng có “tác dụng phụ” nếu dùng không đúng cách. Theo thạc sĩ - bác sĩ Hà Thị Hồng Linh (bệnh viện Y học cổ truyền TP HCM), quả bầu có vị ngọt, tính lạnh có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, nhuận tràng. Vì thế, với những người bị phong hàn (hay có cảm giác lạnh, đi tiêu phân lỏng)… không nên dùng vì dễ bị đầy bụng, đau bụng…

Nguồn www.phunuonline.com.vn