Nghề làm thúng chai

(NTO) Đời sống cư dân ven biển Ninh Thuận gắn liền với chiếc thúng chai truyền thống. Từ người câu kéo kiếm sống ven bờ đến thuyền nghề hiện đại đánh bắt khơi xa đều sử dụng thúng chai. Mỗi năm, những người thợ xóm Gò cho “hạ thuỷ” hàng trăm chiếc thúng chai. Thúng xóm Gò xuôi về Cà Ná, ngược ra Vĩnh Hy. Xóm Gò trở thành địa danh nổi tiếng trong nghề làm thúng chai của cư dân địa phương. Trai gái các làng biển có câu hát giao duyên dân dã, trữ tình: Anh về đóng thúng xóm Gò. Đi câu Hòn Đỏ hẹn hò cùng em…

Anh Bảy Nam tất bật vót nan đan thúng giao cho ngư dân vào vụ cá Nam

Những ngày đầu tháng Tư năm nay, người dân xóm Gò hân hoan chào mừng 20 năm tái lập tỉnh và 37 năm giải phóng quê hương Ninh Thuận. Chúng tôi tìm đến thăm ông Bảy Nam có thâm niên trên 30 năm làm nghề đan thúng. Gia đình ông có mười ba nhân khẩu ăn nên làm ra nhờ nghề đan thúng truyền thống cha truyền con nối. Ông đang cùng hai người con trai tất bật vót nan đan thúng giao cho ngư dân vào vụ cá Nam. Mỗi tháng, gia đình ông cho “hạ thủy” 10-12 chiếc thúng chai, tùy theo nhu cầu đặt hàng của ngư dân. Ngồi bệch trên nền trại bộn bề tre nứa, Bảy Nam cười hiền hậu, nói: "Hồi trước, cha tui đem cái nghề này từ Quảng Ngãi vô Phan Rang làm ăn nuôi lớn cả bầy con. Thời trai trẻ, tui cũng đã long đong qua nhiều nghề nhưng cuối cùng quay về nghiệp làm thúng chai. Bây giờ, tui truyền nghề cho hai đứa con trai hôm sớm vót nan đan thúng bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm”.

Thi rớt đại học, Bùi Văn Trung về nhà học nghề đan thúng chai gắn bó với làng biển

Ông Bùi Thanh là người bạn đồng nghề lâu năm của Bảy Nam. Ông Thanh tuổi cao sức yếu truyền nghề lại cho anh con trai Bùi Văn Trung. Chúng tôi gặp Trung vóc dáng nhỏ nhắn, da sạm nắng đang cặp vành hoàn thành chiếc thúng giao cho khách hàng ở Hải Chữ. Anh Trung là cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi, tốt nghiệp tú tài niên khoá 1993-1994. Thi đại học sư phạm không đỗ, Trung xếp bút nghiên về nhà học nghề làm thúng gắn bó với làng biển. Trò chuyện với Bùi Văn Trung, chúng tôi được biết người làm thúng phải biết chọn tre 1-2 năm tuổi, không bị gãy ngọn. Tre phơi khô chẻ ra nan lách lấy phần cật, bỏ ruột. Thúng chai đan “long hai” giống như đan thúng đựng lúa của nông dân. Khi ra nan phải đều, mười tấm như một, cỡ 2- 2,5 phân, thúng đan mới chặt và tròn đều. Công đoạn nặng nhọc nhất của nghề làm thúng chai là người thợ phải bưng 15-20 cục đá ba-long chất ở giữa lòng thúng để cân vành rồi dùng cước to bản riết chặt. Thúng chai chịu đựng tốt với sóng nước có thể sử dụng 5-10 năm. “Bà con câu mực, nuôi rong sụn, thả lưới hai, lưới giũ ven bờ nhất thiết phải có thúng. Ngư dân còn đi biển thì nghề làm thúng chai còn làm ăn được. Nếu chịu khó làm mỗi tháng giao được 4 chiếc thúng trừ hết chi phí, em có thu nhập trên 6 triệu đồng. Người thợ làm thúng chặt nan cứng vành thì bà con gần xa tìm tới đặt hàng cho mình làm quanh năm suốt tháng”, Bùi Văn Trung chia sẻ.

Ngày xưa ở xóm Gò có nghề làm xuồng nan và thúng chai rất nhộn nhịp. Khi thuyền máy hiện đại phát triển thì nghề làm xuồng nan lụi tàn. Phường Đông Hải ngày nay chỉ còn ba hộ bám trụ với nghề làm thúng chai: Bảy Nam, Lê Vốn, Bùi Văn Trung. Bà con ngư dân ở khắp nơi trong tỉnh đổ về đây đặt làm thúng chai với giá 2,5 triệu đồng/chiếc. Chắc, bền, rẻ là ba tiêu chí quan trọng để những người thợ làm thúng chai ở xóm Gò giữ vững thương hiệu làng nghề.