Người lao động tỉnh Ninh Thuận: Tương lai rộng mở

Ninh Thuận là địa phương thiếu đất sản xuất, thời tiết khắc nghiệt, nguồn lực lao động chất lượng thấp, không có tay nghề hoặc tay nghề hạn chế, trình độ dân trí ở các vùng, miền chênh lệch khá nhiều…. Chính vì vậy, công tác dạy nghề cho người nghèo, lao động nông thôn và xuất khẩu lao động là một trong những chương trình được Ninh Thuận đặc biệt chú trọng.

Cơ hội đổi đời

Hơn 10 năm trước, bức tranh của lao động Ninh Thuận chỉ một màu xám xịt. Lao động đồng bằng sống lệ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, nhưng thời tiết khắc nghiệt, thiếu nước, thiếu đất sản xuất nên nông nghiệp Ninh Thuận luôn trong tình trạng “lên bờ, xuống ruộng”. Lao động miền núi kiếm sống chính bằng nghề làm thuê bấp bênh; người đồng bào Raglai sống du canh, du cư, người Chăm với “vốn liếng” là các nghề truyền thống thì các nghề này cũng ngày càng mai một…

 
Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Hoa Nắng

Sau khi được đầu tư 460 triệu đồng để điều tra nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, 5 năm qua (2006-2010), Ninh Thuận đã tuyển mới, dạy nghề cho 42.051 lao động, với tổng kinh phí thực hiện gần 50 tỷ đồng, tăng 32% so với 5 năm trước (2001-2005). Trong đó, tuyển mới dạy nghề trung cấp gần 3.300 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng gần 39.000 lao động. Đặc biệt, với lao động nghèo, Chính phủ đã cấp gần 4 tỷ đồng để Ninh Thuận mở 45 lớp học cho gần 1.300 lao động, với các nghề: nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, trồng lúa nước, trồng nấm rơm, chăn nuôi bò,...

Ngoài tổ chức nhiều phiên chợ việc làm về nông thôn, hàng năm Ninh Thuận còn khuyến khích thành lập các cơ sở dạy nghề tư nhân. Hiện nay, các tổ chức xã hội và các cơ sở dạy nghề như: Hội Chữ thập đỏ, cơ sở dạy nghề Tấn Tài, cơ sở dạy nghề Từ Ân... đã góp phần tích cực cho công tác dạy nghề, nâng cao chất lượng nghề cho người nghèo của địa phương. Nhờ vậy, tại các phiên chợ việc làm của tỉnh, đã có trên 500 lao động tự tin đến xin tư vấn và đến nay, đa số có việc làm ổn định ở trong và ngoài tỉnh.

Được hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm và xuất khẩu lao động hiện là mong muốn của hầu hết lao động trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Bởi thực tế, nhiều lao động nghèo thành thị, đồng bào Chăm, Raglai, vùng sâu, vùng xa đều tìm thấy cơ hội đổi đời từ các chương trình xuất khẩu lao động của Chính phủ. Hàng ngàn lao động đã được tuyển dụng tại các công ty sản xuất, kinh doanh ở Sài Gòn và hàng trăm lao động đã được xuất khẩu sang nước ngoài. Phần lớn đã có cuộc sống ổn định, gửi tiền về phụ giúp gia đình.

Bà Sầm Như Thị Cam ở thôn Thành Ý, xã Thành Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm - một trong những người mẹ Chăm có con đi xuất khẩu lao động, bộc bạch: “Gia đình tôi thực sự rất lo khi xem tivi thấy người lao động đi xuất khẩu bị ngược đãi, nhưng cháu Tường nhà tôi cũng như tất cả con em trong xã đều may mắn không sao cả. Nó cũng đã gửi mấy lần tiền về để trả nợ và mua được xe máy. Ngày trước, nó làm công nhân hạt điều cũng vất vả lắm, nhưng chỉ đủ ăn, chứ không có tiền để dành, phòng khi đau bệnh… Cả nhà ai cũng nhớ thương nó, chẳng ai muốn nó vất vả và đi làm xa như vậy. Nhưng nếu nó không đi thì lấy đâu ra tiền để trả nợ, nuôi em ăn học mà còn để nó cưới chồng nữa chứ. Chúng tôi là mẫu hệ mà. Cầm số tiền lớn nó gửi về chúng tôi như ở trong mơ…”.

Nhờ được trang bị kiến thức sống, kiến thức nghề, nâng cao chất lượng, những năm gần đây, Ninh Thuận đã trở thành thị trường lao động phong phú của nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trong và ngoài nước.

Khôi phục nghề truyền thống

Nhiều thế kỷ trước, đồng bào Chăm ở Ninh Thuận đã được biết đến với những nghề truyền thống như: Dệt thổ cẩm, nghề làm gốm. Thế nhưng, một thời gian dài, hai nghề này tưởng chừng mai một, người dân bỏ nghề, bôn ba bươn chải mưu sinh bằng nhiều nghề khác.

Từ nguồn vốn Chính phủ hỗ trợ, Ninh Thuận đã đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề như: Đường giao thông, cổng làng nghề, điện, nước, nhà trưng bày,… cho 2 làng nghề truyền thống: Gốm Bàu Trúc (kinh phí 7,5 tỷ đồng), làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp (kinh phí 7,6 tỷ đồng).

Khi cổng làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và cổng làng gốm Bàu Trúc được tái lập cũng là lúc niềm tự hào, tinh thần khôi phục nghề truyền thống của đồng bào Chăm địa phương được khuyến khích, làng nghề được hồi sinh. Nghề truyền thống có cơ hội trở thành phương tiện giúp người dân thoát nghèo.

Bà Quảng Thị Tâm - Chủ nhiệm, người sáng lập tổ hợp tác dệt thổ cẩm Hoa Nắng ở làng Mỹ Nghiệp, huyện Ninh Phước - tâm sự: “Khởi nghiệp Hoa Nắng, chúng tôi chỉ có 10 chị em trong làng cùng hùn vốn vay của chương trình giảm nghèo. Chúng tôi đã cùng nhau vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức thiếu vốn, thiếu cơ sở vật chất, thiếu đầu ra,... Ngoài tinh thần tự lực, tự cường, chúng tôi còn nhận được hỗ trợ kịp thời của Nhà nước. Hiện nay, tổ hợp tác Hoa Nắng có trên 100 lao động nữ (100% là người Chăm), tuổi từ 16 trở lên, vừa làm vừa học. Chị em thu nhập theo sản phẩm nên ai cũng cố gắng. Còn bản thân tôi thì tìm đầu ra cho sản phẩm. Sản phẩm của chúng tôi không chỉ tự tin có mặt trên nhiều thị trường du lịch nổi tiếng trong nước, mà còn chạy đua với những đơn đặt hàng xuất ủy thác qua nhiều công ty...”

Cùng với nghề dệt thổ cẩm và nghề làm gốm, Ninh thuận còn chú trọng đào tạo dạy nghề và xây dựng mô hình làng nghề truyền thống khác. Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, Ninh Thuận đã hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân sản xuất mây - tre - lá, đá trắng, tổ chức 5 lớp đào tạo nghề đan lát với các sản phẩm mây tre cho 200 lao động (120 triệu đồng). Công ty May Hoàng Anh tổ chức 7 lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho 210 lao động (189 triệu đồng). Trung Tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã tổ chức 14 lớp đào tạo nghề cho 420 lao động (hỗ trợ 372 triệu đồng)... Năm 2011, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với Trung tâm khuyến nông - Khuyến lâm Ninh Thuận, Trung tâm Dạy nghề Định Quán và tỉnh Đồng Nai mở 13 lớp dạy nghề chăn nuôi, thú y, nuôi trồng thủy sản với tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng.

Có thể nói, nhờ sự quan tâm đầu tư kịp thời, hiệu quả, nhiều mô hình ngành nghề, cây trồng, chăn nuôi phù hợp đặc điểm thời tiết khô hạn, ít mưa, nhiều nắng của Ninh Thuận đã góp phần làm thay đổi bộ mặt các xã đặc biệt khó khăn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Ninh Thuận từng bước được nâng cao. Tương lai đã và đang rộng mở cho lao động tỉnh Ninh Thuận.

Nguồn Báo Công Thương Điện Tử