Công điện về đối phó bão số 1

Công điện yêu cầu, rà soát, lên phương án sẵn sàng sơ tán dân ở các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió, bão và nước dâng do bão, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét…

 

Hướng đi và vị trí bão số 1 - Ảnh Trung tâm DBKTTVTW

 Chiều 29/3, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có công điện khẩn số 6/CĐ-TW gửi Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, TP Hồ Chí Minh và các Bộ: Quốc phòng, Giao thông Vận tải, Tài nguyên Môi trường, Ngoại giao, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Theo Công điện, sáng sớm ngày 29/3, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 1, tên quốc tế là PAKHAR. Đây là cơn bão xuất hiện sớm hơn quy luật, để chủ động đối phó với bão, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo kịp thời cho nhân dân để chủ động phòng tránh, nhất là thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm, về nơi tránh trú. Khu vực nguy hiểm của bão trong 24 giờ tới được xác định là vùng biển giới hạn từ Vĩ tuyến 14 đến Vĩ tuyến 9.

Chủ tịch UBND các tỉnh căn cứ diễn biến thực tế của bão để kiểm sát chặt chẽ tàu thuyền ra khơi và sắp xếp tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản vào nơi neo đậu đảm bảo an toàn.

Bộ ngoại giao liên hệ với các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực để tạo điều kiện thuận lợi cho tàu, thuyền tránh bão; cứu giúp tàu thuyền gặp nạn khi có yêu cầu, trước hết tập trung cứu hộ 2 tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đang trôi dạt trên biển.

Khẩn trương thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản đã đến kỳ thu hoạch để tránh bị thiệt hại bởi mưa bão.

Rà soát, lên phương án sẵn sàng sơ tán dân ở các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió, bão và nước dâng do bão, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét; tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng… đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ. Kiểm tra các phương án bảo đảm an toàn hồ chứa, đê điều và các công trình đang xây dựng ở ven biển, ven các sông suối.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 16 giờ ngày 29/3, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,7 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển Ninh Thuận – Bình Thuận khoảng 390km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, bão số 1 di chuyển chậm theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc và còn có khả năng mạnh thêm.

Nguồn www.chinhphu.vn