(NTO) Công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là một bộ phận quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống từng người, từng gia đình và toàn xã hội, góp phần quyết định thắng lợi trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hai mươi năm qua, công tác DS-KHHGĐ tỉnh ta luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh, huyện đến cơ sở. Đã tập trung triển khai thực hiện các kế hoạch hành động Chiến lược DS-KHHGĐ qua từng giai đoạn và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các nhiệm kỳ, trong đó có chỉ tiêu giảm mức sinh hàng năm. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, chính quyền các cấp đều đưa chỉ tiêu DS-KHHGĐ và Nghị quyết, kế hoạch hàng năm của từng địa phương, cộng với lòng quyết tâm, kiên trì của những người làm công tác dân số, với phương châm "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" đã thực hiện tốt mục tiêu ổn định quy mô dân số và tạo sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân trong tỉnh để phát triển kinh tế gia đình.
Đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen cho các cá nhân
có thành tích xuất sắc trong công tác DS-KHHGĐ. Ảnh: V.M
Giai đoạn năm 1992 đến năm 2007 là cơ quan (Ủy ban DS-KHHGĐ và Ủy ban Dân số -Gia đình và Trẻ em) chuyên trách quản lý về công tác DS-KHHGĐ đã làm tốt công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, tổ chức truyền thông lồng ghép với nhiều nội dung và hình thức phong phú như câu lạc bộ không sinh con thứ 3, câu lạc bộ sinh con một bề, tổ chức nói chuyện chuyên đề, tư vấn nhóm nhỏ… tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ và tổ chức tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống thông tin đại chúng: Báo Ninh Thuận và Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh, đặc biệt là truyền thông tại hộ gia đình của đội ngũ cộng tác viên dân số đã làm chuyển đổi nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về lĩnh vực DS-KHHGĐ đã được toàn xã hội đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ. Chính sách DS - KHHGĐ đã thực sự đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả khả quan. Là một tỉnh nằm trong 21 tỉnh, thành phố trong cả nước có mức sinh còn cao. Số con bình quân của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở giai đoạn mới tách tỉnh ở mức gần 5 con, đến nay chỉ còn khoảng 2,34 con. Quy mô gia đình có một hoặc hai con được đông đảo nhân dân chấp nhận. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên hơn 25% (năm 1992), đến nay chỉ còn khoảng 15,98 %, tuy nhiên vẫn còn cao hơn so với một số tỉnh thuộc khu vực miền Trung.
Nhân viên y tế thôn bản tham gia lớp tập huấn truyền thông về dân số - sức khỏe sinh sản. Ảnh: V.T
Mặc dù công tác DS-KHHGĐ còn nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của ngành Y tế luôn quan tâm đầu tư kinh phí cho công tác DS-KHHGĐ như hỗ trợ kinh phí cho đối tượng tự nguyện triệt sản, tổ chức vận động người đi triệt sản, kinh phí thù lao cho cộng tác viên DS-KHHGĐ được thực hiện hàng tháng, trợ cấp thuốc điều trị phụ khoa trong các đợt chiến dịch…
Tuy nhiên công tác DS-KHHGĐ trong giai đoạn tới đối với tỉnh ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh Việt Nam vẫn là nước đông dân thứ 13 trên thế giới, tỉnh ta vẫn còn nằm trong 21 tỉnh, thành phố còn mức sinh cao và giảm mức sinh chưa ổn định. Bình quân hàng năm Việt Nam vẫn tăng thêm gần 1 triệu người, tương đương với dân số trung bình một tỉnh, riêng tỉnh ta tăng bình quân gần 9.000 người, tương đương 1 xã. Tuổi thọ trung bình tăng lên, an sinh xã hội cho người cao tuổi là vấn đề cần phải quan tâm; Việt Nam đang trong cơ hội “dân số vàng” cần phải có giải pháp hữu hiệu để tận dụng và phát huy lợi thế; mất cân bằng giới tính khi sinh cũng là thách thức trong giai đoạn hiện nay; chất lượng dân số đang là yếu tố cản trở sự phát triển, trong đó chỉ số phát triển con người (HDI) còn thấp so với khu vực. Do vậy, công tác DS-KHHGĐ luôn là công tác quan trọng và ưu tiên trong hệ thống giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh.
Lực lượng ra quân truyền thông SKSS trên địa bàn huyện Ninh Phước. Ảnh: Văn Miên
Kế hoạch DS-KHHGĐ ở tỉnh ta giai đoạn 2011-2015, với mục tiêu “Cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản; nâng cao chất lượng dân số; duy trì mức sinh thấp hợp lý; giải quyết tốt vấn đề về cơ cấu dân số, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và chất lượng nguồn nhân lực xã hội”. Với mục tiêu ấy đã đặt ra cho công tác DS-KHHGĐ nhiều thử thách, đòi hỏi chúng ta cần phải có giải pháp tốt để ổn định quy mô dân số, giảm mức sinh cho phù hợp và bền vững. Những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dân số vừa mới, vừa đòi hỏi kiến thức và kỹ năng của đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ phải được nâng lên. Vấn đề chăm sóc người cao tuổi trong khi chỉ số già hóa đang tăng lên cũng là vấn đề cần phải nghiên cứu. Vấn đề lệch tỷ số giới tính tuy ở tỉnh ta chưa cao lắm, nhưng đây cũng là xu hướng chung đòi hỏi chúng ta phải quan tâm và có giải pháp khả thi, nhằm tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu của công tác DS-KHHGĐ trong những năm tiếp theo.
Lê Thị Thanh Nhàn