Số bệnh nhân mới mắc là 200 nghìn người/năm. Ngày thế giới chống lao năm nay (24-3), Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi "Vì một thế giới không còn bệnh lao" với khẩu hiệu "Hãy cùng nhau ngăn chặn bệnh lao trong cuộc sống của chúng ta".
Chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Hà Nội. Ảnh: Hữu Oai
Những thách thức mới
PGS-TS Đinh Ngọc Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia đã chỉ rõ những thách thức trong việc phòng, chống bệnh lao tại Việt Nam. Mặc dù mỗi năm, 92% số bệnh nhân lao mới phát hiện đã được chữa khỏi song số người chết do lao vẫn gần 30.000 người/năm. Tình trạng đồng nhiễm lao/HIV và tỷ lệ lao đa kháng thuốc tăng lên. Ước tính có khoảng 5-6 nghìn bệnh nhân lao đa kháng thuốc. Bên cạnh đó là sự thiếu hụt về nhân lực cũng như chính sách, thiếu sự phối hợp y tế công - tư, thiếu cơ chế điều phối, huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội. Theo ông Đinh Ngọc Sỹ: "Cán bộ làm công tác chống lao đang "già đi" mà không có người thay thế, trong khi bệnh lao lại đang "trẻ lại". Sau khi cải tổ hệ thống y tế tuyến huyện, hiện gần 50% số cán bộ làm công tác chống lao tuyến huyện là mới và chưa được đào tạo. Thuốc chống lao trôi nổi trên thị trường không được quản lý, người dân vẫn có thói quen tự chữa bệnh không cần đến hướng dẫn của thầy thuốc. Quy định khai báo các ca bệnh theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm chưa được thực hiện nghiêm túc. Còn có một số lượng lớn bệnh nhân tìm kiếm dịch vụ khám ban đầu tại các cơ sở y tế tư nhân và các bệnh viện ngoài hệ thống chống lao nhưng không được báo cáo… Đó là những vấn đề cản trở rất lớn đến việc thực hiện quản lý, điều trị bệnh nhân lao.
Công tác này càng trở nên khó khăn hơn ở vùng sâu vùng xa, trong nhóm người nghèo, trong nhóm đối tượng phạm nhân tại các trại giam, nhóm nhiễm HIV.
Để công tác phòng, chống lao tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh, ông Đinh Ngọc Sỹ đề xuất, cần có sự cam kết chính trị mạnh mẽ của chính quyền, sự hợp tác chặt chẽ của xã hội và cộng đồng. Đó là việc chia sẻ trách nhiệm đầu tư nguồn lực của từng địa phương để bù đắp sự thiếu hụt kinh phí trong kế hoạch phòng, chống lao ở địa phương. Mặt khác, chương trình phải kiện toàn mạng lưới cùng đội ngũ cán bộ có chất lượng, có trách nhiệm, nguồn lực cần được đầu tư và phân bổ hợp lý hơn.
Nghiên cứu khoa học là giải pháp quan trọng
Không nằm ngoài những khó khăn chung, tình trạng mắc lao và các bệnh phổi tại thành phố Hà Nội cũng rất phức tạp. Nỗ lực hết sức trong cuộc chiến chống lao này, năm 2011, Chương trình chống lao của thành phố đã khám cho hơn 77.000 người, phát hiện được hơn 4.800 bệnh nhân lao, tỷ lệ khỏi đạt 90,5% (chỉ tiêu quốc gia là 85%). Chương trình đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ các trại tạm giam và các trung tâm giáo dục lao động xã hội tại Hà Nội về công tác chống lao.
Tuy nhiên, TS Lưu Thị Liên, Giám đốc Bệnh viện Phổi, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Hà Nội cho biết, địa bàn rộng, dân cư đông, môi trường ngày càng ô nhiễm và đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, là các yếu tố khiến tỷ lệ mắc bệnh lao và các bệnh phổi gia tăng. Ngoài ra, còn có rất nhiều rào cản làm người bệnh lao khó hoàn thành tốt việc khám, chữa bệnh. Đó có thể là những rào cản từ phía cá nhân người bệnh, từ phía gia đình, cộng đồng, từ cơ sở y tế hay do cơ chế. Để giải quyết các thách thức này, theo TS Liên, cần phải thực hiện các phương pháp tiếp cận mới. Trong đó việc vận động - truyền thông và huy động xã hội được coi là giải pháp hữu dụng.
Bên cạnh đó, để thực hiện tốt mục tiêu của chương trình và tiến tới thanh toán bệnh lao, ngành y tế đã xác định đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học là một trong những giải pháp quan trọng. Chương trình chống lao của thành phố đã bắt đầu triển khai kỹ thuật còn rất mới trên thế giới như GeneXpert. Đây là kỹ thuật sinh học phân tử xác định nhanh vi khuẩn lao và cho biết tình trạng kháng thuốc chỉ trong vòng 2 giờ, cho kết quả chính xác hơn so với các phương pháp khác và việc thực hiện cũng đơn giản hơn. Ngoài ra, thành phố Hà Nội cũng đang chuẩn bị triển khai kỹ thuật Cell-Scope. Đây là kỹ thuật soi đờm tìm vi khuẩn trên hệ thống máy tính, điều đặc biệt là kỹ thuật này được triển khai thí điểm đến tuyến xã, phường để phát hiện và chẩn đoán cho người bệnh nghi lao thay cho việc soi đờm trực tiếp hiện nay được tiến hành tại các tổ chống lao tuyến quận, huyện.
Đội ngũ cán bộ y tế đang nỗ lực không mệt mỏi để tiến tới mục tiêu giảm 50% số mắc, tử vong do lao vào năm 2015, loại trừ được bệnh lao vào năm 2030. Để đạt được điều này, bên cạnh việc đẩy mạnh chất lượng công tác phát hiện và điều trị bệnh, ngành đang cần nhiều hơn nữa sự hợp tác từ phía mọi tổ chức, cá nhân trên cả nước cùng nguồn lực đầu tư cho các chương trình, dự án chống lao.
Nguồn Báo Hànộimới