Siết chặt quản lý tiến độ, chất lượng công trình giao thông

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Quản lý chất lượng công trình hàng năm công bố danh mục các nhà thầu, tư vấn không đủ năng lực thi công.

 Ngày 23/3, Bộ Giao thông vận tải tổ chức hội nghị về quản lý tiến độ và chất lượng công trình giao thông.

Cần phân định rõ ràng trách nhiệm của các bên trong việc xây dựng công trình.

Thứ trưởng Bộ Ngô Thịnh Đức cho biết, thời gian qua, ngành Giao thông đã có nhiều công trình đảm bảo chất lượng, nhưng một số công trình vẫn còn khiếm khuyết về chất lượng, tiến độ, dẫn đến bức xúc trong dư luận.

Theo báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình, hiện Bộ đang triển khai khoảng 168 dự án, chủ yếu là các dự án chuyển tiếp. Trong thời gian qua, hầu hết các công trình xây dựng giao thông của ngành đều chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra từ 2-3 năm, chất lượng nhiều công trình cũng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Năm 2012, Bộ đã có các giải pháp chỉ đạo quyết liệt và xác định là năm chất lượng công trình, mặc dù đã có tiến bộ nhưng nhìn chung các dự án vẫn chậm so với kế hoạch. Đơn cử như đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai, dự án xây dựng Quốc lộ 3 mới, nhiều dự án BOT cũng chậm tiến độ như đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng , mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Đông Hà- Quảng Trị, các dự án BOT Quốc lộ 14 khu vực Tây Nguyên…

Theo đánh giá của các doanh nghiệp ngành Giao thông tại hội nghị, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới công trình, dự án chậm tiến độ, chất lượng chưa đảm bảo là lựa chọn nhà thầu không đủ kinh nghiệm, yếu kém về năng lực tài chính.

Tổng giám đốc Ban quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh Phạm Hồng Sơn thẳng thắn cho rằng cần phải bỏ giá trần trong công tác đấu thầu, dùng giá hợp lý thì sẽ lựa chọn được nhà thầu tốt.

Một số doanh nghiệp khác cho rằng chất lượng tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm định chưa cao. Theo báo cáo, có khoảng 310 đơn vị tư vấn giám sát nhưng nhiều đơn vị không thực hiện nghiêm túc chức trách của mình.

Phó Cục trưởng Cục Giám định và quản lý chất lượng công trình xây dựng Bùi Trung Dũng thẳng thắn, thậm chí nhiều ban quản lý dự án còn đồng thuận với nhà thầu làm chậm tiến độ dự án, “ủ” giá vật liệu lên ăn chênh lệch và xin điều chỉnh. Ý kiến này được Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức đồng tình.

Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Thăng Long Phan Quốc Hiếu cho rằng, cần phân định rõ ràng trách nhiệm của các bên, tư vấn đến đâu, chủ đầu tư đến đâu, nếu công trình kém chỉ đổ lỗi cho nhà thầu là "không sòng phẳng".

Theo Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức, để nâng cao trách nhiệm của mỗi bên tham gia trong việc bảo đảm tiến độ cũng như chất lượng công trình, ngay sau hội nghị, Bộ sẽ đưa ra một số giải pháp. Đặc biệt, sẽ nâng cao trách nhiệm của các chủ thể trong các hợp đồng kinh tế, quy định rõ phần nào chủ đầu tư chịu, phần nào tư vấn chịu.

Đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm của những người làm xây dựng ngành Giao thông và làm thế nào để công trình giao thông bảo đảm chất lượng, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng đó là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người trong ngành.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu các doanh nghiệp xây lắp trong ngành giao thông phải sớm xây dựng và hoàn thiện đề án bảo đảm chất lượng, tiến độ công trình, từng chủ thể phải tự nâng cao năng lực và trách nhiệm.

Cục Quản lý chất lượng công trình hằng năm phải công bố danh mục các nhà thầu, tư vấn không đủ năng lực thi công; các đơn vị chức năng rà soát lại hệ thống văn bản và có kiến nghị để kịp thời bổ sung, để các công trình đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Nguồn www.chinhphu.vn