(NTO) Chúng tôi rất xúc động khi nhìn lại các ấn phẩm báo giấy được thầy cẩn thận gìn giữ suốt 20 năm qua. Thầy Phùng là giáo viên Trường Trung học Nông nghiệp Thuận Hải, chúng tôi là lớp học trò của thầy cách đây tròn 30 năm.
Thầy giáo Phạm Tương Phùng với các ấn phẩm Báo Ninh Thuận.
Sau ngày tái lập tỉnh, thầy làm giáo viên Trường Chính trị và nghỉ hưu vào năm 2011. “Báo Ninh Thuận là một trong những nguồn thông tin chính thống được tôi sưu tầm, tích lũy tư liệu phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu. Các ấn phẩm Báo Ninh Thuận phản ảnh toàn diện bức tranh đời sống chính trị, kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh tỉnh nhà nên rất gần gũi với cán bộ và nhân dân địa phương. Qua 20 năm thành lập và phát triển, ấn phẩm Báo Ninh Thuận ngày càng đẹp, nội dung phong phú đáp ứng tốt nhu cầu bạn đọc. Tôi vẫn thường xuyên vào địa chỉ www:baoninhthuan.com.vn để cập nhật thông tin tỉnh nhà từ nguồn báo điện tử Ninh Thuận”, thầy giáo Phạm Tương Phùng chia sẻ.
Bên cạnh những tập đặc san trong những năm gần đây, thầy Phùng trao cho chúng tôi tập Đặc san chào xuân Ninh Thuận năm 1993. Bìa in bốn màu, “Chào xuân mới 1993”. Thiếu nữ cầm chùm nho chín là hình chủ đạo trang bìa do Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Bửu thực hiện. Đặc san in 40 trang trắng đen, tại nhà in Nhân Dân và Trần Phú, khổ giấy A4, số lượng 15.500 cuốn. Cầm lại trên tay cuốn đặc san Báo Ninh Thuận mừng Xuân năm 1993, chúng tôi như gặp lại anh chị em đồng nghiệp ngày ấy còn rất trẻ, xông xáo đi và viết.
Chúng tôi viết những dòng này thay lời cám ơn một độc giả luôn trân trọng gìn giữ các ấn phẩm báo chí địa phương phục vụ hiệu quả cho công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Tình cảm đó càng động viên chúng tôi tiếp tục đi và viết, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của bạn đọc gần xa.
Sơn Ngọc