Hội nghị đã đưa ra những con số vui buồn về ngành xuất bản năm qua như xuất bản được hơn 27 ngàn cuốn (tăng 7% so với 2010) với gần 294 triệu bản (tăng 6%). Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm 10% (so với 2010), một số NXB lỗ nặng, thậm chí phải nợ nộp thuế!
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng các NXB vẫn cố gắng đảm bảo lượng sách đến tay bạn đọc không giảm.
Hạt sạn
Tại một cuộc họp về Luật Xuất bản vừa tổ chức tại TPHCM, đại diện Sở Thông tin Truyền thông TPHCM nêu ra một vấn đề khó khăn trong việc kiểm tra các cơ sở in: “Kiểm tra, phát hiện cơ sở in đang in ấn phẩm bị một NXB tố cáo là sao chép, thế nhưng cơ sở này lại trình giấy phép xuất bản do một NXB khác cấp khiến cho việc kiểm tra, xử phạt rất khó khăn vì phải đợi hai NXB làm việc với nhau”.
Trong cuộc họp tổng kết công tác xuất bản năm 2011, ông Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật (CTQG-ST) đã nêu đích danh một trường hợp như thế. Theo ông, năm vừa qua NXB Lao Động đã cấp giấy phép xuất bản cho một ấn phẩm mà nội dung sao chép gần như nguyên xi một cuốn sách lịch sử do NXB CTQG-ST thực hiện. Điều đáng nói là việc sao chép này tiến hành khá cẩu thả, nhiều đoạn bị cắt bỏ, chắp ghép tùy tiện dẫn đến những sai lệch nguy hiểm về nội dung. NXB Lao Động cũng đã thừa nhận sai phạm, tuy nhiên sách thì đã ra thị trường…
“Nhắm mắt” ký giấy phép
Theo thống kê của Cục Xuất bản, trong năm 2011, toàn bộ các NXB đăng ký kế hoạch xuất bản và được xác nhận 55.988 cuốn, thực tế chỉ thực hiện được 19.888 cuốn, bằng 36% so với số đăng ký. Vấn đề ở đây là các đơn vị làm đúng kế hoạch nhất tập trung chủ yếu ở các NXB có tính đặc thù riêng như NXB Quân đội Nhân dân (94,3%), Kim Đồng (94%), CTQG-ST (93,3%), Chính trị - Hành chính (82%), Mỹ thuật (81,4%)… Trong khi các NXB làm kém so với kế hoạch lại tập trung ở các NXB mang tính tổng hợp, địa phương như NXB Thanh niên (4,4%), ĐH Công nghiệp TPHCM (7,4%), Đồng Nai (9,3%), Lao Động (10%)… Bình quân xuất bản phẩm liên kết ở các NXB chiếm 70% mức xuất bản của NXB. Con số thống kê này không tính các NXB thuộc nhóm làm đúng kế hoạch nêu trên.
Điều này cho thấy các đơn vị ít liên kết xuất bản, tự chủ động trong làm sách đều có kế hoạch xuất bản phù hợp thực tế. Trong các đơn vị đặt nặng liên kết đều thụ động trong vấn đề lên kế hoạch xuất bản, việc đăng ký đôi khi chỉ là đăng ký “khống” giữ chỗ trước để khi đối tác cần có thể đáp ứng. Kết quả là khi gặp khó khăn, đối tác thu hẹp kinh doanh dẫn đến việc đăng ký của các NXB bị thiếu hụt, không thể thực hiện được.
Đây cũng được xem là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều NXB “nhắm mắt” trong việc ký giấy phép xuất bản. Để thu hút đối tác, tìm nguồn thu cho đơn vị, nhiều NXB khoán trắng cho đối tác làm hết các khâu trong xuất bản, từ đó xuất hiện những ấn phẩm sai phạm, gây bức xúc dư luận thời gian qua.
Chấn chỉnh toàn ngành
Cần phải nhìn nhận rằng năm 2011 vừa qua là một năm đầy khó khăn đối với ngành xuất bản. Mặt bằng giá chung tăng kéo giá giấy, in ấn, vận chuyển, chi phí quảng bá phát hành… tăng theo khiến giá sách tăng mạnh, dẫn đến nhu cầu mua sách giảm. Trong bối cảnh đó, việc toàn ngành xuất bản vẫn giữ được mức hoạt động ổn định, tuy doanh thu có giảm nhưng tổng lượng sách ra thị trường vẫn tăng là một thành công đáng ghi nhận. Năm 2012 được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, việc giảm liên kết xuất bản khiến nhiều NXB chật vật. Tình trạng sách lậu bùng phát mạnh mẽ cũng đe dọa nghiêm trọng các đơn vị kinh doanh sách.
Trong bối cảnh đó, Cục Xuất bản đưa ra nhiều giải pháp nhằm bảo đảm phát triển ngành xuất bản trong thời gian tới. Đối với việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất bản, Cục đã đề xuất và được Chính phủ chấp thuận (Nghị định số 122/2011/NĐ-CP) điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp xuất bản từ 25% xuống còn 10%, quỹ hỗ trợ xuất bản cũng đang trong quá trình xem xét để thông qua trong năm nay. Còn với sách lậu, vi phạm trong liên kết xuất bản, trong thời gian chờ đợi những thay đổi trong Luật Xuất bản, Cục sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra các NXB, cơ sở in và phát hành…
Sách điện tử: Tương lai ngành xuất bản
Đây là ý kiến nhận được sự thống nhất cao trong hội nghị tổng kết toàn ngành xuất bản vừa qua. Từ góc độ NXB, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ cho rằng các cơ quan chức năng cần mau chóng đưa ra các quy định về quản lý loại hình này do nhu cầu thị trường đang phát triển rất mạnh mẽ. Trong khi đó, bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Thư viện Quốc gia cho biết mỗi ngày ở thư viện lượng yêu cầu sách điện tử cao gấp 3 lần sách truyền thống, trong khi nguồn sách điện tử chính thức trong nước vẫn chưa có. Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định sách điện tử sẽ là một trong những vấn đề được quan tâm nhất trong việc xây dựng hệ thống quản lý xuất bản thời gian tới.
Nguồn Báo SGGP Online