Theo đó mục tiêu đến năm 2016 sẽ trang bị và đưa vào sử dụng 2,5 triệu máy tính kết nối mạng gồm 100.000 máy tính cho 2.500 phòng máy tại các trường phổ thông; 400.000 máy tính cho giáo viên các trường phổ thông và ĐH, CĐ; 2 triệu máy tính cho học sinh và sinh viên.
Đồng thời, xây dựng và đưa vào hoạt động Kho nội dung và phần mềm ứng dụng trực tuyến, bao gồm sách giáo khoa điện tử, tri thức khoa học công nghệ trong các lĩnh vực.
Đến năm 2020, trang bị và đưa vào sử dụng 7,5 triệu máy tính kết nối mạng gồm: 200.000 máy tính cho 5.000 phòng máy tại các trường phổ thông; 800.000 máy tính cho giáo viên các trường phổ thông và CĐ, ĐH; 6,5 triệu máy tính cho đối tượng học sinh và sinh viên, các hộ gia đình nông thôn. Mở rộng phát triển kho nội dung với khoảng 150.000 ứng dụng và nội dung phục vụ lĩnh vực nông nghiệp. Tập huấn 250.000 lượt giáo viên và tình nguyện viên để đào tạo, hướng dẫn người sử dụng máy tính khai thác kho nội dung.
Đối tượng được thụ hưởng từ chương trình bao gồm: HSSV; giáo viên, giảng viên, cán bộ đang trực tiếp tham gia vào quá trình dạy và học; các cơ sở giáo dục phổ thông công lập; các hộ gia đình tại nông thôn, cán bộ, công chức, viên chức, người dân có thu nhập thấp, các hộ nghèo và cận nghèo. Ngoài ra, các đối tượng ưu tiên gồm người dân ở vùng nghèo, vùng công ích, thương binh, liệt sỹ.
Dự thảo đề xuất, các cá nhân là đối tượng thụ hưởng của Chương trình được sử dụng phiếu giảm giá trị giá 10% - 15% giá trị của máy tính nếu là đối tượng thông thường và 20% - 30% giá trị của máy tính nếu là đối tượng ưu tiên khi mua các máy tính của Chương trình.
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại