Tự bơi
Mặc dù được mệnh danh là “cái nôi” đào tạo ngoại ngữ cho học sinh THPT khu vực phía Nam nhưng phải đến đầu năm học 2011-2012, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1) mới dám triển khai thí điểm chương trình giảng dạy hai môn Toán, Lý bằng tiếng Anh.
Minh họa: A.DŨNG
Nhớ lại những ngày đầu thử nghiệm, thầy Phạm Quốc Việt, Hiệu phó chuyên môn nhà trường cho biết: “Giáo trình giảng dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh ở Việt Nam hiện nay chưa có, chúng tôi phải cử người sang học tập kinh nghiệm ở trường bạn, về biên soạn lại giáo trình cho phù hợp rồi mang lên Sở GD-ĐT nhờ các chuyên viên thẩm định, phê duyệt mới dám đưa vào sử dụng”.
Lo xong giáo trình, nhân lực giảng dạy lại trở thành vấn đề nan giải thứ hai. “Giáo viên có tuổi không lo về chuyên môn nhưng năng lực tiếng Anh không đảm bảo, người giỏi về ngoại ngữ lại non tay nghề. Cuối cùng, sau thời gian dài tìm kiếm, chúng tôi chọn giải pháp ký hợp đồng với hai giáo viên trẻ vốn là du học sinh tốt nghiệp chuyên ngành Toán, Lý hai trường đại học danh tiếng ở Mỹ, song môn Hóa chưa tìm được người đáp ứng yêu cầu nên chưa triển khai giảng dạy”, thầy Việt chia sẻ.
Giáo trình, giáo viên đã có, phân bổ giờ dạy thế nào cho phù hợp bởi hiện nay chưa có quy định riêng thời lượng giảng dạy tiếng Anh các môn khoa học, trong khi đó thời khóa biểu của học sinh đã kín khiến một lần nữa những người tổ chức phải đau đầu. Cuối cùng, nhà trường đành quyết định mỗi tuần cắt bớt 1 tiết dạy tiếng Việt để tăng cường dạy thêm các môn này bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, “do mới là bước đầu thử nghiệm nên trường chỉ áp dụng cho khối lớp 10. Phải chờ đến hết học kỳ 2 của năm học, nếu kết quả phản hồi tốt chúng tôi mới dám triển khai tiếp ở các khối lớp 11, 12”, thầy Việt cho biết.
Khác với Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) đã sớm mạnh dạn triển khai chương trình giảng dạy tiếng Anh hai môn Toán, Lý cho học sinh cả 3 khối lớp 10, 11 và 12. Song, khi được hỏi về giáo trình, đại diện ban giám hiệu nhà trường cho biết vẫn chủ yếu dựa vào nguồn tài liệu thầy cô đi tu nghiệp nước ngoài sưu tầm được hay các du học sinh gởi về tặng thầy cô giáo cũ. Việc giảng dạy mới tập trung vào việc truyền đạt thuật ngữ chuyên ngành là chính nhằm giúp học sinh có thêm năng lực tiếp cận nhiều nguồn tài liệu tham khảo nâng cao của nước ngoài, tăng khả năng tư duy và tự học, tìm kiếm cơ hội học tập ở nước ngoài hoặc theo học các chương trình đào tạo tiên tiến trong nước chứ chưa thể xem như những môn học tiếng Anh thực thụ.
Riêng đối với Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), do sớm tìm được chương trình hợp tác đào tạo với một trường cao đẳng danh tiếng ở Anh nên không đau đầu về bài toán giáo viên, giáo trình. Song, năng lực tiếp nhận và học tập ngoại ngữ của học sinh lại trở thành mối bận tâm khác của nhà trường.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Phạm Văn Phiệt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngay từ đầu năm lớp 10, nhà trường đã triển khai chương trình giảng dạy ba môn Toán, Lý, Hóa bằng tiếng Anh theo hình thức ngoại khóa. Tuy nhiên, số lượng học sinh đăng ký không nhiều, nhà trường chỉ tổ chức được 2 trên tổng số 15 lớp của khối 10. Sau đó trong quá trình triển khai thực hiện, con số này rơi rụng dần do một số học sinh không đủ sức theo nổi.
“Qua đó cho thấy không phải học sinh nào cũng có nguyện vọng và đủ trình độ theo học các môn tự nhiên bằng ngoại ngữ. Do đó, nhà trường chỉ chủ trương đào tạo theo nhu cầu, chưa tiến hành đại trà như đề án gần đây của bộ”, thầy Phiệt bày tỏ.
Tuy nhiên, nếu trong thời gian tới, đề án được triển khai rộng rãi ở các trường THPT, thầy cũng trăn trở: “Đề án hiện nay mới dựa vào khả năng tự thân vận động của các trường là chính, nếu đem áp dụng rộng rãi thì các trường sẽ ứng phó ra sao trước bài toán tìm đủ nguồn giáo viên có năng lực, bên cạnh đó chế độ đãi ngộ phải thế nào để không xảy ra tình trạng sau khi đào tạo, giáo viên “chảy máu chất xám” sang khu vực ngoài công lập như đã từng xảy ra trong những năm trước đây?”.
Chưa thực tế
Nhận định về quá trình triển khai giảng dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh, đại diện các trường đều cho rằng chủ trương là cần thiết, tiến bộ, song hiện nay còn quá thiếu các quy định cụ thể về thời lượng giảng dạy, chuẩn giáo trình, trình độ giáo viên, chính sách đãi ngộ... Ngoài ra, thang bậc đánh giá không rõ ràng cũng là một trong những nguyên nhân khiến đề án mới dừng ở tính chất hô hào, kêu gọi là chính chứ chưa thể triển khai như một môn học thực thụ. Điều này vô hình chung đã tạo nên áp lực, khiến ngay cả những người tổ chức cũng hoài nghi về tính hiệu quả của chương trình.
Hiệu trưởng (xin giấu tên) một trường THPT trên địa bàn TPHCM bày tỏ: “Mục tiêu đề án là nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh THPT, kéo gần khoảng cách trình độ với bạn bè quốc tế. Song, trên thực tế, học sinh ở ta hiện nay trình độ Anh ngữ còn nhiều hạn chế, ngay từ việc dạy và học môn ngoại ngữ trong chương trình phổ thông còn nhiều bất cập thì việc triển khai dạy thêm các môn tự nhiên khác nào chất thêm đá lên nền nhà chưa vững?”.
Đồng quan điểm này, thầy Phạm Văn Phiệt, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn bày tỏ: “Nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh khi năng lực giảng dạy ngoại ngữ của thầy cô chưa ổn định, đưa ra một đề án nhưng thiếu hẳn các khâu tìm hiểu nguyện vọng và đánh giá nhu cầu thực tế của học sinh là một việc làm có phần hơi vội vã”.
Do đó, theo đề xuất của vị hiệu trưởng đã hơn 30 năm cống hiến cho nghề dạy học, chưa nên triển khai rộng rãi đề án này vào chương trình đào tạo. Thay vào đó, cần ưu tiên tổ chức các đề án ngắn hạn nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giáo viên cũng như củng cố, hoàn thiện khung giáo trình tiếng Anh chuẩn cho bậc trung học trước khi sử dụng các nguồn lực đó vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy cho học sinh. Nói cách khác, chỉ khi các nguồn lực giáo viên, giáo trình đã ổn định, giáo dục nước nhà mới thoát khỏi cảnh “càng cải cách càng rối” như hiện nay.
Nguồn Báo SGGP Online