Nhiều ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục tại hội thảo "Ðổi mới và phát triển hệ thống các trường ngoài công lập ở Việt Nam" do Ban Tuyên giáo Trung ương và Trường đại học Hòa Bình, Viện Nghiên cứu phát triển Phương Ðông phối hợp tổ chức ngày 29-2 đều thống nhất cho rằng cần có những giải pháp để các trường NCL phát triển đúng hướng.
Chưa rõ mô hình cụ thể
Thống kê của Bộ GD và ÐT cho thấy, năm học 2010 - 2011 cả nước có 4.097 trường mầm non, 444 trường phổ thông, 91 trường trung cấp chuyên nghiệp, 30 trường cao đẳng và 50 trường đại học NCL. Hệ thống các trường NCL đóng góp khoảng 20% tổng số trường cũng như số học sinh, sinh viên trong cả nước. Hệ thống trường đã góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng GD và ÐT. Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống trường NCL hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc từ cơ chế chính sách đến việc tổ chức thực hiện của mỗi cơ sở đào tạo.
Sinh viên Trường đại học Lương Thế Vinh (Nam Ðịnh) trong giờ thí nghiệm. Ảnh: THÀNH NAM
GS, TSKH Phạm Sỹ Tiến (Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) thẳng thắn cho rằng, thực tế nhiều trường NCL được thành lập khi chưa đủ điều kiện, chưa có cơ cấu ngành nghề đào tạo hợp lý, chỉ chú trọng đào tạo liên thông, nhất là liên thông từ trung cấp lên đại học phát triển quá mức cho nên chất lượng hạn chế. Mặt khác, trong phát triển GD và ÐT, việc nhìn nhận, quan niệm về trường NCL hiện nay còn chưa rõ ràng, tình trạng đánh giá thấp trường NCL còn phổ biến. Nhất là việc nhìn nhận các trường NCL là nơi kinh doanh vì lợi nhuận, coi nhẹ chất lượng chỉ coi trọng việc tuyển nhiều sinh viên để có nhiều tiền. Việc xem xét cho thành lập các trường NCL hiện nay còn mập mờ, thể hiện cơ chế xin - cho khá rõ. GS, TSKH Ðặng Ứng Vận (Hiệu trưởng Trường đại học Hòa Bình) nhìn nhận, trong bối cảnh giáo dục bị phê phán nặng nề, nhất là khu vực NCL, đã có nhiều đổi mới, thử nghiệm được thực hiện từ mô hình đến cơ cấu hệ thống, nội dung chương trình nhưng những đổi mới này chưa tạo được những chuyển biến tích cực khiến xã hội yên tâm.
Theo GS, TS Trần Hồng Quân (Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng NCL), ngay từ khi đề ra chủ trương xây dựng các trường NCL đã có hai mục đích là: Huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, hình thành các cơ sở đào tạo đồng hành với các trường công lập để phát triển mạnh mẽ nền giáo dục đại học Việt Nam; bằng cơ chế tự chủ cao và phải tự lực cánh sinh, xây dựng mô hình quản lý năng động, hiệu quả hơn so với cơ chế quản lý gò bó, trì trệ ở các trường công lập. Tuy nhiên, từ khi trường đại học NCL đầu tiên ra đời đến nay, cả hai mục đích trên đều chưa được làm tốt. Ðiều này không phải do không đủ thời gian mà do sự hạn chế trong tư duy, chỉ đạo. Vì thực tế đã có hai quy chế về tổ chức và hoạt động của các trường dân lập, ba quy chế về trường tư thục nhưng mô hình hai loại trường này vẫn chưa được nghiên cứu thấu đáo, thậm chí quy chế trường dân lập còn được sử dụng không đúng với Luật Giáo dục.
Phân định rõ lợi nhuận và phi lợi nhuận
Thứ trưởng Bộ GD và ÐT Bùi Văn Ga cho rằng, hệ thống các trường NCL sau gần 25 năm hình thành, phát triển vẫn còn thiếu hệ thống quy phạm pháp luật hoàn chỉnh để điều tiết hệ thống này. Vấn đề nóng nhất hiện nay trong giáo dục NCL chính là vấn đề lợi nhuận và phi lợi nhuận cũng như trường công, trường tư. Ðể giải quyết vấn đề này, Bộ GD và ÐT xây dựng dự thảo Luật Giáo dục đại học trình Quốc hội cho ý kiến lần một và đang trong quá trình hoàn thiện. Luật Giáo dục đại học được thông qua sẽ tạo cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước ban hành các văn bản pháp quy dưới luật điều chỉnh hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống trường NCL phát triển. Trong đó, có sự phân định rõ ràng vấn đề lợi nhuận và phi lợi nhuận để từ đó có cơ chế hỗ trợ khác nhau. Khi xác định được thế nào là trường không vì lợi nhuận thì có cơ chế khác, vì lợi nhuận thì có cơ chế khác, từ đó thúc đẩy các trường NCL phát triển đúng hướng.
TS Lê Viết Khuyến (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng NCL) kiến nghị: Nhà nước cần sớm làm rõ những vấn đề về sở hữu, tính chất lợi nhuận và phi lợi nhuận và trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học. Cần có chủ trương thật sự khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học không vì lợi nhuận. Trong đó, xây dựng và ban hành quy chế cũng như các chính sách ưu đãi cụ thể đối với các cơ sở giáo dục đại học không vì lợi nhuận. Khi xây dựng quy chế có thể chấp nhận mô hình trường đại học tư thục theo kiểu cho phép nhà đầu tư được nhận tiền lãi với tỷ lệ hợp lý. Ðể làm được điều này cần xác định, những cơ sở giáo dục đại học nghiêm túc chịu sự kiểm toán tài chính và kiểm định chất lượng để được Nhà nước công nhận là tổ chức không vì lợi nhuận thì mới được hưởng ưu đãi. Kinh nghiệm của một số nước cho thấy hệ thống giáo dục đại học tư thục chỉ thật sự đóng vai trò tích cực khi Chính phủ đề ra được một khung chính sách và quy chế xác lập những điều kiện cơ bản để các trường đại học tư thục phát triển như khuyến khích các sáng kiến, xây dựng cơ chế kiểm định thích hợp, tham gia cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở nâng cao chất lượng và hiệu quả...
Có thể nói, nếu không có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước và kiểm soát của xã hội đối với các hoạt động của cơ sở giáo dục và đào tạo vì lợi nhuận có thể sẽ dẫn đến sự sai lệch trong mục tiêu giáo dục, chỉ chạy theo lợi nhuận. Thực hiện được điều đó mới có thể phát triển hệ thống trường NCL theo đúng vị trí, vai trò thực thụ nhằm góp phần nâng cao chất lượng GD và ÐT đất nước.
Nguồn Báo Nhân Dân